Monday, September 14, 2020

Thứ Ba Tuần XXIV Thường Niên – Năm A – 15-9-2020 – Lễ Đức Mẹ Sầu Bi

Thu Ba 24 TN 

Ga 19:25-27

25Khi ấy, đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. 26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” 27 Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay Giáo hội mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi, một ngày lễ xuất hiện vào khoảng thế kỷ 12, từ lòng sùng kính Đức Mẹ của các tu sĩ Dòng Benedictine.  Dần dần, ngày lễ này được phổ biến rộng rãi trong Giáo hội và chính thức đi vào lịch Phụng vụ của Giáo hội với tên gọi: Lễ Đức Mẹ Thương Xót.  Nhưng đến năm 1814, ĐGH Pius X đã ấn định ngày lễ vào 15 tháng 9, và đổi tên ngày lễ thành: Lễ Kính Bảy Sự Đau Thương của Đức Mẹ, dựa trên những gì Mẹ đã phải trải qua như đã được ghi nhận trong Phúc âm Luca.  Ngày nay, ngày lễ này được gọi tắt thành: Lễ Đức Mẹ Sầu Bi, và được mừng ngay sau Lễ Suy Tôn Thánh Giá.  Chắc hẳn, Giáo hội có ý hướng thiêng liêng trong sự sắp xếp này.  Thứ nhất, không một ai đã có thể hiểu được những đau khổ trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu bằng Mẹ Maria.  Thứ hai, không một người mẹ nào đã đau khổ bằng Đức Mẹ, trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, con của Mẹ.  Bởi vậy, mừng Lễ Mẹ Sầu Bi ngay sau Lễ Suy Tôn Thánh Giá, Giáo hội không hẳn chỉ là muốn tôi tập trung vào những đau khổ của Mẹ, nhưng còn qua Mẹ, người duy nhất, giúp tôi thấu hiểu những đau khổ của Chúa Giêsu.  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi có thể chiêm ngắm hình ảnh Mẹ đứng dưới chân thập giá, nhìn con của Mẹ đang quằn quại đau đớn trong những giây phút cuối đời.  Tôi muốn nói gì với Mẹ Maria?  Xin Mẹ giúp tôi hiểu được những đau khổ của Mẹ.  Cũng xin Mẹ giúp tôi hiểu và cảm nghiệm được phần nào những đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá.

2.      Dĩ nhiên việc mừng Lễ Mẹ Sầu Bi không phải là để tôi mường tượng về những đau khổ của Mẹ và con của Mẹ đã phải trải qua năm xưa, rồi thêm lòng yêu mến Chúa và Mẹ, nhưng còn là giúp tôi trở nên nhạy bén và cảm thông với những đau khổ của những bà mẹ quanh tôi, những người khốn khổ quanh tôi.  Tôi có thể làm được gì cho họ?  Trước hết và trong giây phút này, tôi có thể cầu nguyện cho họ.  Tôi xin Mẹ giúp tôi phải làm gì, một cách cụ thể, để nâng đỡ những người đau khổ quanh tôi, đặc biệt trong mùa đại dịch covid-19 này.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Mẹ Đứng Đó,” của Kim Long, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=EftJmOQevjk

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment