Luca 7:36-50
36Khi ấy, có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu
mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức
Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn. 37 Bỗng
một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại
nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. 38 Chị
đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người
và lấy dầu thơm mà đổ lên.
39Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người
liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người
đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” 40 Đức
Giê-su lên tiếng bảo ông: “Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông!” Ông
ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói.” 41 Đức Giê-su nói: “Một
chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm
chục. 42 Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương
tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người
đó, ai mến chủ nợ hơn?” 43 Ông Si-môn đáp: “Tôi thiết
tưởng là người đã được tha nhiều hơn.”
Đức Giê-su bảo: “Ông xét đúng lắm.”
44Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói
với ông Si-môn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ?
Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã
lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. 45 Ông
đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân
tôi. 46 Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị
ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. 47 Vì thế, tôi nói
cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu
mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu
mến ít.” 48 Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Tội của
chị đã được tha rồi.” 49 Bấy giờ những người đồng bàn liền
nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” 50 Nhưng
Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”
(Trích Phúc âm Luca
bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi
ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay quá hay! Câu chuyện Chúa Giêsu đến ăn ở nhà một người Pha-ri-sêu
cho tôi nhiều điều để suy ngẫm trong giờ cầu nguyện này. Người Pha-ri-sêu đã thiết đãi Chúa Giêsu món
gì, không quan trọng, bởi chẳng liên quan gì đến tôi. Điều quan trọng hơn đó là, sự hiện diện cùng
những hành động của người đàn bà tội lỗi trong thành, và cuộc đối thoại giữa Chúa
Giêsu và chủ nhà Pha-ri-sêu, bởi tôi có thể thấy tôi ở trong đó. Trước hết, tôi muốn hình dung Chúa Giêsu đang
nằm ở phản để ăn, theo phong tục thời bấy giờ.
Tôi đọc lại thật kỹ cách mô tả của Luca về người đàn bà này và những
việc làm của bà. Bà là người tội lỗi
trong thành. Bà mang theo một bình bạch
ngọc dầu thơm. Bà đứng khóc bên chân Chúa
Giêsu. Khóc đến mức nước mắt nhiều như tưới
ướt chân Chúa Giêsu. Bà không lấy
khăn, cũng chẳng dùng áo của bà nhưng lấy tóc lau chân Chúa Giêsu. Rồi bà xức dầu chân Chúa Giêsu, đúng ra bà
nên xức dầu đầu Chúa Giêsu. Bằng sự hình
dung này, tôi muốn đi vào tâm trạng của bà có với Chúa Giêsu. Tâm tình của bà đối với Chúa Giêsu như thế
nào? Chúa Giêsu đã có thái độ nào đối
với bà? Tôi để ý tâm trạng, tâm tình,
thái độ hay cảm nghĩ nào tôi đang có với Chúa Giêsu trong lúc này. Có bao giờ tôi đã đến với Chúa Giêsu như
người đàn bà tội lỗi này, hoặc như tâm trạng tôi đang có lúc này chưa? Tôi để ý những gì đang xảy ra trong tôi và
đang dẫn tôi đến với Chúa ra sao.
2. Thứ đến, tôi muốn hình dung
cuộc trao đổi giữa Chúa Giêsu và ông Pha-ri-sêu tại bàn ăn và dụ ngôn Chúa Giêsu
kể. Tôi muốn đi vào những cảm nghĩ của
ông ta. Dù trong không gian chật hẹp của
phòng ăn, nhưng lòng ông sao xa cách nghìn trùng đối với người đàn bà tội lỗi
này. Điều gì đã khiến ông thật xa với
người đàn bà này, trong khi đó dường như chẳng có một khoảng cách nào giữa Chúa
Giêsu và người đàn bà này? Một hình ảnh
đối lập lớn giữa hai tấm lòng: Lòng Chúa Giêsu thì rộng thênh thang, lòng ông Pha-ri-sêu
thì chật hẹp, không còn chỗ chen chân. Có
khi nào tôi cũng rất xa cách với những người mà tôi cho là họ rất tội lỗi và
xấu xa không? Ông Pha-ri-sêu cùng đồng
bàn với Chúa Giêsu, vậy mà lòng ông sao thật xa đối với người đàn bà tội lỗi. Có khi nào tôi cũng đi lễ, cùng ăn Mình và Máu
Chúa Giêsu, vậy mà tôi thật xa với vợ, chồng, con cái tôi, thật xa với người
ngồi cùng băng ghế với tôi, thật xa với người cùng giáo xứ và hàng xóm của tôi? Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này và làm
gì để khoảng cách giữa tôi với những người xung quanh được ngắn lại dần, đặc
biệt những người mà tôi đang thiếu thiện cảm chỉ vì họ khác giới, khác mầu da,
khác niềm tin, khác văn hóa, khác quan điểm chính trị với tôi? Tôi cần Chúa giúp không? Tôi nói với Chúa nhu cầu này.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment