Phi-líp-phê 2:6-11
6Đức Giê-su Ki-tô vốn
dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với
Thiên Chúa, 7nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy
thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. 8 Người
lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập
tự. 9 Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban
danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. 10 Như vậy, khi vừa
nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ,
muôn vật phải bái quỳ; 11và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài
phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa.”
(Trích Thư
Phi-líp-phê bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý
cầu nguyện
1.
Hôm nay là Lễ Suy Tôn Thánh Giá, và phải nói ngay rằng: Kitô giáo
không tôn sùng đau khổ, mặc dù hình ảnh rõ ràng nhất trên Thánh giá đó là, Chúa
Giêsu hoàn toàn vô tội mà đã bị khổ hình đến man rợ và chết treo một cách ô nhục
trên đó. Không. Đau khổ không làm nên ơn cứu độ. Nếu đau khổ đem lại ơn cứu độ, thì chiều hôm ấy
không chỉ có một mình Chúa Giêsu chịu đóng đinh, mà còn có cả hai tên trộm cướp
nữa cũng bị khổ hình giống Ngài. Hơn nữa
trên Đồi Gôn-gô-tha năm xưa, Hoàng đế La-mã đã không chỉ tử hình có ba người,
nhưng trước đó đã tử hình cả ngàn người khác nữa. Đồng thời trong cuộc đời này, không chỉ có
Chúa Giêsu mới chịu nhục hình một cách tàn độc như vậy, nhưng đã có và vẫn còn cả
hàng triệu người khác đã phải chịu đau khổ một cách tàn bạo và kéo dài ngày này
qua năm khác, hơn cả những gì Chúa Giêsu đã phải chịu. Giáo hội mừng Lễ Suy Tôn Thánh Giá, không vì thánh
giá là hình ảnh của đau khổ, nhưng cao trọng hơn cả đó là, thánh giá là một biểu
tượng rõ ràng nhất của một tình yêu vô điều kiện, tình yêu cho đi đến cùng của
Thiên Chúa. Chính tình yêu này mới làm
nên ơn cứu độ, và chỉ một mình Chúa Giêsu mới có thể đem đến ơn cứu độ cho
tôi. Trong giây phút này, tôi muốn ngắm
nhìn thánh giá để cảm nghiệm tình yêu lớn lao này đang dành cho tôi. Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trên thập giá
lúc này?
2.
Mục đích của Phật giáo là giải thoát con người khỏi mọi đau khổ, và
Đức Phật đã gọi con đường giải khổ ấy là: Tứ Diệu Đế (Khổ đế; Tập đế; Diệt đế, và Đạo đế). Khác với Phật giáo, Chúa Giêsu của Kitô giáo
không đến để giải quyết vấn đề đau khổ, nhưng vì yêu con người cho đến cùng,
Ngài ôm lấy đau khổ của con người, đi vào trong đau khổ để đồng hành cùng con
người và để cứu độ con người. Bởi vậy, Thánh
giá còn là biểu tượng của tình yêu khiêm nhường đến tột cùng. Bài đọc hôm nay diễn tả thật đúng thế nào là
khiêm nhường thực sự. Tôi đọc lại bản
văn trên nhiều lần, bao nhiêu có thể, và dừng lại ở những chữ, câu nào đánh động
tôi nhất, để cảm nghiệm tình yêu ấy tuôn chảy, thấm vào tận xương tủy tôi, nói
với tôi. Tôi muốn kết thúc giờ cầu nguyện
hôm nay bằng bài hát, “Giêsu - Giêsu”
của Lm. Thành Tâm, với giọng ca của Vinh Hạnh, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=B4lcA1UGdL4&ab_channel=H%E1%BA%A1nhVinh
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment