Thursday, June 25, 2020

Thứ Sáu Tuần XII Thường Niên – Năm A – 26-6-2020

Thu Sau XII TN


Mát-thêu 8:1-4

1Khi Đức Giê-su ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. 2 Bỗng có một người mắc bệnh phong tiến lại, bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” 3 Người giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch.” Lập tức, anh được sạch bệnh phong. 4 Rồi Đức Giê-su bảo anh: “Coi chừng, đừng nói với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”

(Trích Phúc Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Sau khi giảng trên núi xong, ở bài đọc hôm qua, Chúa Giêsu, trong bài đọc hôm nay, bắt đầu chữa bệnh cho nhiều người.  Người được Chúa Giêsu chữa lành trong bài đọc hôm nay, là người bị bệnh phong hủi.  Bệnh phong hủi là một căn bệnh rất nguy hiểm không thể chữa trị, thời bấy giờ.  Nó hủy hoại cơ thể người bệnh đến dị dạng.  Có thể nói, sự kinh tởm của bệnh phong hủi là bệnh nhân phải chứng kiến chính thân xác của họ bị thối rữa và chết dần mỗi ngày.  Bệnh này lại dễ lây lan.  Chính vì thế, người bệnh bị xã hội và cộng đồng xa tránh, cô lập, như tôi có thể thấy chỉ dẫn rõ ràng trong hai chương 13-14 của Sách Lê-vi: “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: ‘Ô uế! Ô uế!’  Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: ‘Nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại’” (Lv 13:45-46).  Người mắc bệnh phong này mất hết tất cả, bị hất hủi bởi chính cộng đồng và gia đình của mình.  Có lẽ vậy mà trong tiếng Việt, bệnh phong cùi còn được gọi là bệnh phong hủi, vì người bệnh phong bị hất hủi.  Chúa Giêsu thấy người phong hủi đến với mình và xin được chữa lành, Ngài đã động lòng trước tình cảnh của anh ta, nên đã chữa cho anh ta lành.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi muốn chiêm ngắm, tôi muốn đi vào trong tâm hồn và hoàn cảnh của anh bị bệnh phong hủi, để hiểu được sự khốn cùng mà anh ta phải chịu.  Đồng thời, tôi muốn chiêm ngắm và đi vào tâm hồn của Chúa Giêsu, để hiểu sự thương cảm, tính nhạy bén và cách hành xử nhanh nhạy của Ngài đối với người bị phong hủi.

2.      Dù rằng bệnh phong hủi ngày hôm nay đã có thuốc chữa, nhưng cuộc sống quanh tôi vẫn còn đầy những người đang bị những chứng phong hủi kiểu khác.  Họ đang bị chính tôi, cộng đồng đức tin, và xa hội cô lập, chỉ vì họ khác mầu da, khác văn hóa, khác niềm tin với tôi, chỉ vì họ là đồng tính luyến ái, chỉ vì họ mắc các chứng nghiện ngập, chỉ vì họ bị nhiễm si-đa (HIV/AIDS), và ngay trong thời điểm này, chỉ vì họ bị nhiễm covid-19.  Giờ cầu nguyện này tôi muốn mang tâm tình của Chúa Giêsu để, nhìn vào một trong những người đang mắc những chứng “phong hủi” tân thời này.  Tôi có thể làm gì để giúp họ?  Nên nhớ, người bị phong hủi thời Chúa Giêsu bị xem là ô uế, mọi người phải xa tránh, bất cứ ai đụng đến họ thì cũng trở thành ô uế.  Chúa Giêsu đã đụng chạm đến anh phong hủi, để cho anh ta được sạch, còn Ngài lại trở thành ô uế, một việc làm bác ái đến thiệt thân.  Tôi có thể xin một hướng dẫn từ Chúa Giêsu, giúp tôi biết giúp những người bị những chứng phong hủi tân thời này như thế nào.      

Phạm Đức Hạnh, SJ


0 comments:

Post a Comment