Mát-thêu 6:1-6
1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn
đệ rằng: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương
cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ
chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. 2 Vậy
khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu
diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần
thưởng rồi. 3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết
việc tay phải làm, 4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín
đáo, sẽ trả lại cho anh. 5 “Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như
bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài
các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy
bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. 6 Còn anh,
khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh,
Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của
anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
(Trích
Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
“Giả hình” là hai chữ có nguồn gốc từ nền
kịch nghệ xa xưa bên Trung Hoa, với chữ “giả mạo” và bên Hy-lạp, với chữ “đóng
kịch”. Khi ấy, mỗi kịch sĩ thường mang
những mặt nạ khác nhau, để diễn tả các vai theo từng tình tiết của một vở
kịch. Như vậy, những gì khán giả thấy
kịch sĩ diễn trên sân khấu, đó không phải là về con người thật của họ. Việt Nam có một văn hóa rất gần với văn hóa Trung
Hoa, nên tiếng Việt cũng có khá nhiều chữ diễn tả những kiểu “đóng kịch”, như: Giả
danh, giả mạo, giả hình, giả bộ, giả nhân, giả nghĩa, giả đức (đạo đức giả). Chúa Giêsu, trong bài đọc hôm nay, dùng hình
ảnh “đóng kịch” để cảnh báo tôi về cách thức thực thi bác ái và
cầu nguyện mà tôi rất dễ mắc phải: giả
hình. Ngài mời gọi tôi hãy làm các
việc đạo đức với tất cả lòng thành, đừng giả hình để mong được tiếng khen. Điều quan trọng là được Chúa biết, hơn là
được thiên hạ khen. Ôi, tránh giả hình,
tránh đóng kịch mỗi khi làm việc bác ái, hoặc cầu nguyện, sao khó quá! Với lời dạy của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm
nay, có lẽ, câu hỏi đúng cho tôi không phải là: Tôi có giả hình mỗi khi làm việc bác ái hoặc cầu nguyện không?,
nhưng là: Lần giả hình khi làm việc bác
ái hoặc cầu nguyện gần đây nhất của tôi là khi nào? Tôi thường đóng kịch như thế nào mỗi khi làm
việc bác ái hay cầu nguyện? Buồn, giận
mỗi khi bố thí mà chẳng được ai khen, chẳng hạn? Đọc kinh oang oang như thể rất thông hiểu
đạo, chẳng hạn? Đi đâu cũng mang khuôn
mặt nghiêm nghị, chảy dài, đầy trầm tư như rất đạo đức, chẳng hạn? Sửa tướng trong từng bước đi, đổi giọng nói
trước đám đông mỗi khi khoác lên mình bộ áo dòng, chẳng hạn? Tôi muốn nói chuyện với Chúa Giêsu về những
thói xấu này trong tôi, và xin Ngài giúp tôi làm mọi sự với lòng thành, đầy
khiêm nhường, và kín đáo.
2. Chúa Giêsu dạy tôi cách cầu nguyện thật hay: “Khi con cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của con, Đấng hiện diện nơi kín đáo.” Đâu là chỗ kín đáo nhất của tôi? Có lẽ không phải là căn phòng trong cùng của nhà tôi, nhưng là chỗ sâu nhất trong tâm hồn tôi. Nơi ấy, không ai biết, không ai thấy, chỉ Chúa thấy. Nơi ấy chính là niềm vui rất lớn và mạnh mẽ trong tôi, mà không một ngôn từ nào diễn tả nổi, chỉ mình Chúa và tôi cảm được. Nơi ấy chính là sự sầu khổ sâu kín nhất, mà chẳng ai hiểu được, chỉ có Chúa. Nơi ấy là chỗ tối nhất trong đời sống tội lỗi của tôi, mà chẳng ai thấy, chỉ ánh sáng của Chúa mới rọi tới. Trong giây phút này, tôi muốn đi vào những nơi kín đáo nhất ấy để gặp Chúa.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment