Wednesday, June 17, 2020

Thứ Năm Tuần XI Thường Niên – Năm A – 18-6-2020

Thu Nam XI TN
Mát-thêu 6:7-15

7 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. 8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. 9 Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, 10triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. 11Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; 12xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; 13xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

14 “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. 15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay, có thể được tóm gọn trong hai câu hỏi rất phổ biến của mọi tín hữu về cầu nguyện, đó là: Thứ nhất, cầu nguyện là gì?  Chúa Giêsu nói, cầu nguyện không phải là lải nhải nhiều lời như những người chẳng biết gì về Thiên Chúa.  Cầu nguyện là biết rõ tôi đang nói chuyện với Thiên Chúa, Đấng như Cha, như Mẹ yêu tôi hết mực.  Ngài hiểu rõ tôi đang cần gì và muốn gì, trước khi tôi mở miệng xin.  Như vậy, cầu nguyện là nói chuyện, đi vào tương quan thân mật giữa tôi với Chúa.  Đây là cốt lõi, là ưu tiên, chứ không phải là xin xỏ.  Tôi có thể xem lại đời sống cầu nguyện của tôi bao lâu nay: Mỗi khi cầu nguyện, tôi đã đến với Chúa như tình cha con, mẹ con, hay đã đến để chỉ xin xỏ cái này cái kia?  Mỗi khi cầu nguyện tôi đã đến với Chúa như một người con rất tin tưởng, rất yêu mến cha mẹ của mình, hay tôi đến vì luật buộc, rằng không cầu nguyện thì tội “lòi mắt ra”?  Mỗi khi cầu nguyện, tôi đã nói với Chúa bằng cả niềm tin, hay nói thì nói vậy, nhưng mà lòng chẳng tin gì ở Chúa?

2.      Thứ hai, cầu nguyện như thế nào?  Chúa Giêsu chỉ cho tôi cách thức cầu nguyện.  Trước hết, cầu nguyện là dám gọi Chúa là Bố, là Ba, là Má, là Mẹ của tôi.  Rồi, ước gì cuộc đời tôi được bao trùm bởi sự hiện diện của Chúa.  Tôi có làm gì, nói gì, và ở đâu thì đừng để mất mặt Chúa, nhưng Ngài luôn được nở mày nở mặt với bà con lối xóm xung quanh.  Kế đến, tôi mới nói với Chúa về những nhu cầu vật chất, mong sao được đầy đủ.  Chúa Giêsu không nói tôi xin dư cho ngày mai, nhưng đủ mỗi ngày.  Điều này có nghĩa là, cầu nguyện là đặt trọn niềm tin và tín thác nơi sự quan phòng yêu thương của Chúa.  Sau nữa, khi dám mở miệng cầu nguyện thì cũng dám sống tha thứ, bởi những người tôi không ưa cũng gọi Chúa tôi đang thờ là Cha là Mẹ của họ.  Như vậy, cầu nguyện là dám nhìn ra người khác là anh chị em của tôi, tất cả đều là con của Cha Mẹ trên trời, vì thế “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau!”  Cuối cùng, cuộc đời này đầy cạm bẫy và cám dỗ, ước gì tôi biết ý thức, trong mọi nghịch cảnh hãy nương tựa vào ơn Chúa giúp, đừng chiến đấu với tội lỗi và sự dữ chỉ bằng sức riêng của tôi.  Có bao giờ tôi đã cầu nguyện như Chúa Giêsu đã dạy tôi qua Kinh Lạy Cha này chưa?  Có khi nào tôi bỏ giờ ra suy chiêm lời kinh rất quen thuộc này chưa?  Nếu có, tôi đã cảm thấy thế nào?  Lời ấy có giúp tôi vững tin, vững bước trong cuộc sống mỗi ngày, hay tôi cầu nguyện cho qua mà chẳng tin ở Chúa là Cha, và cả ngày tôi cứ sống như kẻ mồ côi, không cha không mẹ?  Lời ấy có giúp tôi xích lại gần với mọi người không, hay vẫn còn xa cách lắm?  Nếu chưa bao giờ tôi bỏ giờ ra để suy chiêm lời kinh này, trong giây phút này, tôi muốn được làm việc này cho trọn vẹn.            

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment