1 Vua 21:1-16
1Hồi đó, ông Na-vốt người Gít-rơ-en có một
vườn nho bên cạnh cung điện vua A-kháp, vua Sa-ma-ri. 2 Vua
A-kháp nói với ông Na-vốt rằng: “Hãy nhượng vườn nho của ngươi cho ta, để ta
làm vườn rau, vì nó ở ngay sát cạnh nhà ta.
Để bù lại, ta sẽ cho ngươi một vườn nho tốt hơn, hay là, nếu ngươi muốn,
giá bao nhiêu, ta sẽ trả bằng bạc.” 3 Nhưng ông Na-vốt
thưa với vua A-kháp: “Xin Đức Chúa đừng để tôi nhượng gia sản của tổ tiên tôi
cho ngài!”
4 Vua A-kháp trở về nhà buồn rầu và
bực bội vì lời ông Na-vốt, người Gít-rơ-en đã nói với vua: “Tôi sẽ không nhượng
gia sản của tổ tiên tôi cho vua.” Vua nằm trên giường, quay mặt đi, và không
chịu ăn uống gì. 5 Hoàng hậu I-de-ven đi vào, nói với vua:
“Tại sao tâm thần vua buồn rầu, và vua không chịu ăn uống gì như vậy?” 6 Vua
trả lời: “Tôi đã nói chuyện với Na-vốt người Gít-rơ-en và bảo nó: Hãy nhượng
vườn nho của ngươi cho ta mà lấy tiền, hoặc, nếu ngươi muốn, ta sẽ đổi cho một
vườn nho khác. Nhưng nó lại nói: ‘Tôi không nhượng vườn nho của tôi cho vua
được’.” 7 Bấy giờ hoàng hậu I-de-ven nói với vua: “Vua cai
trị Ít-ra-en hay thật ! Mời vua dậy mà ăn cho lòng phấn khởi lên! Thiếp sẽ tặng
vua vườn nho của Na-vốt người Gít-rơ-en.”
8 Bấy giờ, bà nhân danh vua A-kháp
viết thư, rồi dùng con dấu của vua mà đóng ấn, và gửi cho các kỳ mục và thân
hào cư ngụ trong thành với ông Na-vốt. 9 Trong thư bà viết
rằng: “Hãy công bố một thời kỳ chay tịnh và đặt Na-vốt ngồi ở hàng đầu dân
chúng. 10 Hãy đặt hai đứa vô lại ngồi đối diện với nó, để
chúng tố cáo nó: ‘Ông đã nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua.’ Và hãy đem nó ra
ngoài ném đá cho chết.”
11 Dân chúng, kỳ mục và thân hào cư
ngụ trong thành làm theo lệnh bà I-de-ven như trong thư bà đã viết gửi cho
họ. 12 Họ công bố thời kỳ chay tịnh và đặt ông Na-vốt ngồi
ở hàng đầu dân chúng. 13 Rồi có hai kẻ vô lại đi vào, ngồi
đối diện với ông. Những kẻ vô lại ấy tố
cáo ông Na-vốt trước mặt dân rằng: “Na-vốt đã nguyền rủa Thiên Chúa và đức
vua.” Họ liền đưa ông ra ngoài thành và ném đá ông. Ông đã chết. 14 Họ
sai người đi nói với bà I-de-ven: “Na-vốt đã bị ném đá chết.” 15 Khi
bà I-de-ven nghe biết ông Na-vốt đã bị ném đá chết, thì bà nói với vua A-kháp:
“Xin vua đứng dậy và chiếm đoạt vườn nho của Na-vốt, người Gít-rơ-en, kẻ đã từ
chối không chịu nhượng cho ngài để lấy tiền, vì Na-vốt không còn sống nữa, nó
chết rồi.” 16 Khi nghe biết ông Na-vốt đã chết, vua A-kháp
đứng dậy, xuống chiếm đoạt vườn nho của ông Na-vốt, người Gít-rơ-en.
(Trích
Sách Các Vua I bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay là một câu chuyện rất đau thương, viết cách đây khoảng
2550 năm, tuy nhiên nó lại rất gần với tôi trong thời đại hôm nay. Chuyện là, Na-vốt có một mảnh vườn nho, gọi
là đất hương hỏa do tổ tiên của ông để lại, nằm ngay bên cạnh nhà vua. Mảnh đất này quý lắm, người ta không thể bán
hay nhượng lại cho bất cứ ai. Ấy vậy mà,
A-kháp là vua, tức là người có đầy quyền lực trong tay, vật chất lại dư thừa,
nhưng ông lại thèm thuồng mảnh vườn của Na-vốt, muốn lấy vườn nho ấy làm vườn
rau cho mình. Hóa ra, đây là chuyện dân
oan mất đất, nghe sao giống chuyện đang xảy ra mỗi ngày tại Việt Nam mấy chục
năm qua, những chuyện buồn nhiều tập của những người dân thấp cổ bé họng! Những chuyện dân oan mất đất, có lẽ, ở đâu
cũng có một điểm giống nhau, đó là: sự lạm quyền của những kẻ gọi là “đầy tớ
của dân,” thường cho mình cái quyền được làm mọi sự, cả những điều ác. Bắt đầu thường bằng những lời nhỏ nhẹ, nếu
không xong, tôi đưa ra luật mới để bảo vệ tính chính danh cho những hành vi ác
độc của tôi. Tôi có đang mang tình trạng
bệnh hoạn này, bệnh đặc quyền (entitlement)? Tôi là người có địa vị cao trong xã hội, Giáo
hội, hoặc gia đình, nghiễm nhiên tôi cho tôi đủ mọi đặc quyền, như: không phải
xếp hàng chờ đợi như mọi người, quyền bắt người khác phải phục vụ tôi. Tôi là người da trắng, là dân tộc kinh, nghiễm
nhiên tôi cho tôi quyền hơn người khác với tôi về mầu da và tiếng nói. Nguy hiểm của bệnh đặc quyền này sẽ kích động
trong tôi, ban đầu là những ham muốn nhỏ, dần dần đi đến những ham muốn lớn
hơn, có tính nghiêm trọng hơn. Trong
giây phút này tôi muốn lắng nghe những tiếng khóc, tiếng kêu oan của những
người đang bị áp bức quanh tôi. Đặc
biệt, tôi muốn được thấy tôi đang lạm quyền ở đâu và với những ai. Tôi muốn được biến đổi và chữa lành.
2. Điểm đáng chú ý trong câu chuyện hôm nay, và là ý lực của toàn bộ câu
chuyện, đó là: Sự khẳng khái của Na-vốt, dám chống lại bất công, dám nói không
với vua. Ngày nay tôi có thể thấy, những
nhà hoạt động xã hội, những nhà bất đồng chính kiến, bằng nhiều cách như: bất
tuân dân sự (civil disobedience) để lên
án mọi sai trái và bất công trước bạo quyền.
Tôi có thái độ can đảm này bao giờ chưa?
Kinh nghiệm ấy đã giúp tôi mạnh mẽ, can đảm và tự do như thế nào? Có khi nào tôi đã hèn nhát, không dám chống
lại sai trái và bất công, sẵn sàng yên lặng, chịu đựng và dung dưỡng cho sự ác
tiếp tục hoành hành? Điều gì đã làm tôi nhu
nhược như vậy? Tôi muốn ngồi bên Chúa
trong lúc này, đọc lại bài đọc trên, và xin Chúa thêm sức mạnh giúp tôi trở nên
nhanh nhạy, can đảm và mạnh mẽ tranh đấu cho mọi bất công áp bức trong xã hội, Giáo
hội, cộng đoàn và gia đình tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment