1 Vua 19:9a, 11-14
9aKhi ngôn sứ Ê-li-a đến núi Khô-rếp là núi
của Thiên Chúa, ông vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó… Có lời Đức Chúa phán
với ông: 11 “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức
Chúa. Kìa Đức Chúa đang đi qua.” Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng
trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở
trong trận động đất. 12 Sau động đất là lửa, nhưng Đức
Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa có
tiếng gió hiu hiu. 13 Vừa nghe tiếng đó, ông Ê-li-a lấy áo
choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang.
Bấy giờ có tiếng hỏi ông: “Ê-li-a, ngươi làm gì ở đây?” 14 Ông
thưa: “Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu
con, vì con cái Ít-ra-en đã bỏ giao ước với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm
sát hại các ngôn sứ của Ngài. Chỉ sót
lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng con.”
(Trích
Sách Các Vua I bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay là một câu chuyện rất đẹp về cách tìm gặp Chúa trong cuộc
sống, có thể rất gần với tôi. Ê-li-a
tưởng đã có thể gặp Chúa trong giông bão mạnh đến mức xẻ núi non, nhưng ông đã
không gặp. Ông cũng tưởng sẽ gặp Chúa
trong cơn động đất, nhưng ông cũng chẳng gặp.
Ông lại tìm gặp Chúa trong cơn lửa bão bùng, thế nhưng ông cũng không gặp
được Ngài. Chỉ đến khi gió hiu hiu chạm
vào da thịt ông, ông mới gặp được Chúa. Tôi
đã có những kinh nghiệm nào giống Ê-li-a chưa?
Phải chăng tôi vẫn chỉ tìm gặp Chúa nơi những biến cố lớn trong đời như:
khi người thân qua đời, khi đau bệnh thập tử nhất sinh, khi tai nạn chết người,
khi thất nghiệp, hoặc khi con cái, vợ chồng chia lìa nhau? Chẳng phải là Chúa đã không có mặt ở những
lúc đau khổ nhất ấy, nhưng có lẽ mắt tôi đã bị lòa vì đau khổ, hoặc tai tôi
chưa hề được tập cho quen với sự hiện diện của Chúa, nên tôi đã tìm mà chẳng
gặp được Ngài. Phải đến những giây phút
bình yên và tĩnh mịch như giờ cầu nguyện này, lòng tôi mới trở nên nhạy bén hơn,
mới nhận ra sự hiện diện và yêu thương của Chúa luôn ở bên tôi. Tôi muốn đi vào những giây phút thật sâu lắng
của lòng tôi ngay bây giờ, tìm gặp Chúa, và có thể cùng Chúa ôn lại những lúc Ngài
hiện diện trong tôi mà tôi đã không nhận ra.
2. Một điểm quan trọng nữa trong bài đọc hôm nay, đó là câu hỏi của Chúa với Ê-li-a: Con đang làm gì ở đây? Ông đã nói với Chúa tất cả những gì ông đang trải qua, đang làm cho ông lo sợ, khiến ông phải lẩn trốn nơi rừng hoang. Giả sử Chúa cũng hỏi tôi lúc này, như đã hỏi Ê-li-a, tôi sẽ trả lời Ngài như thế nào? Chắc chắn lúc đó tôi không thể đưa ra một bản văn đã viết sẵn, một bản kinh mà tôi đã thuộc lòng, một lời nói vu vơ, nhưng là những gì rất sâu kín đang trào dâng trong lòng, khiến tôi vui tươi phấn khởi, đang làm tôi sầu thối ruột, hoặc đang khiến tôi lo đến mất ăn mất ngủ và đứng ngồi không yên. Hóa ra, cầu nguyện là chia sẻ với Chúa tất cả những gì sâu lắng và đang chiếm ngự tôi, cả khi thức lẫn khi ngủ. Một tu sĩ Dòng Biển Đức, Keith McClellan, nói về cầu nguyện như thế này: “Những khi lòng bất an, cầu nguyện là lắng nghe những gì đang khuấy động trong lòng. Nếu vì bất cứ lý do gì khiến bạn không cầu nguyện được, hãy bình tĩnh, bởi ao ước cầu nguyện đã là một lời nguyện đẹp. Nếu bạn cảm thấy đau buồn, lầm lỗi đến khóc được, hãy nhớ: nước mắt là lời cầu nguyện của con tim. Cầu nguyện là thở, hãy làm thật sâu, bạn sẽ cảm thấy tràn đầy sức sống.” Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Ngài Có Đó,” của Đức Ân, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=vdot6YJmSMw
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment