Tuesday, June 30, 2020

Thứ Tư Tuần XIII Thường Niên – Năm A – 1-7-2020

Thu Tu XIII TN


A-mốt 5:14-15, 21-24

21Lễ lạt của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường; hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú. 22 Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu... những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận,
chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài. 23Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa. 24 Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn.

(Trích Sách A-mốt bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay được trích từ sách Tiên tri A-mốt, một tập sách có vào khoảng thế kỷ thứ 8 T.C.N.  Tiên tri A-mốt là một tiên tri đầu tiên của Cựu ước, nổi tiếng là một tiên tri rất thẳng thắn và mạnh mẽ chống lại bất công áp bức.  Ông cũng là người đã tiên tri về miền bắc Do-thái sẽ bị tàn phá.  Nếu đọc Thánh Kinh Cựu Ước, tôi sẽ thấy rõ sự thực hành niềm tin tiến triển thành ba giai đoạn rõ rệt.  Khởi đầu là lối thực hành niềm tin trọng lề luật.  Điều này có thể thấy rõ trong bộ Ngũ Kinh, tức năm quyển đầu tiên của Thánh Kinh.  Người ta phải giữ luật một cách tỉ mỉ mới được xem là đẹp lòng Chúa, chẳng hạn như giữ luật tế tự như trong Sách Đệ Nhị Luật, chương 2-7.  Lối thực hành niềm tin trưởng thành hơn, không phải là giữ luật tỉ mỉ nữa, mà là thực thi công lý, tranh đấu chống lại mọi bất công áp bức.  Điều này thể hiện rõ trong các sách tiên tri, cụ thể như bài đọc hôm nay.  Cuối cùng cách thể hiện đức tin ở mức độ cao nhất, không phải chỉ ở việc giữ luật tỉ mỉ, cũng chẳng phải là tranh đấu chống lại áp bức bất công mà thôi, nhưng là tỏ lòng thương xót.  Điều này xuất hiện nhiều trong loại sách Khôn Ngoan, chẳng hạn như: “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.  Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến, như xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng” (Tv. 25:6-7).  Nhìn như vậy, tôi có thể thấy, chẳng phải chỉ thời Cựu Ước mới có ba nhóm người thực hành đức tin kiểu vậy, nhưng mà ngày nay ở trong mọi tôn giáo, mọi xứ đạo cũng đều xuất hiện ba loại người này.  Có người coi trọng việc đọc kinh đi lễ, rước lễ bằng lưỡi hay bằng tay mới đúng, nhưng lại chẳng để ý đến chuyện đấu tranh chống lại áp bức bất công.  Loại một này có thể thấy rất nhiều trong các xứ đạo Việt Nam.  Lại có những người không quan trọng lắm việc rước lễ kiểu nào, đi lễ đều đặn hay không, nhưng là có quan tâm đến những bất công trong xã hội hay không.  Và rồi có nhóm người dung hòa cả hai, miễn sao làm mọi sự trong yêu thương là được, như Chúa Giesu, sẵn sàng phá luật để cứu người.  Tôi thuộc nhóm người nào?  Bao lâu nay tôi vẫn giữ luật một cách cứng nhắc mà thiếu uyển chuyển yêu thương ư?  Bao lâu nay tôi vẫn đòi hỏi người này người kia sòng phẳng với tôi, theo kiểu có qua có lại mới toại lòng nhau ư?  Tôi ngồi bên Chúa trong lúc này và hỏi Ngài, về những cách thực hành niềm tin bao lâu nay của tôi, có phải là cách Chúa ưa thích không?  

2.      Tôi cũng muốn lấy lời Chúa qua miệng Tiên tri A-mốt trong bài đọc hôm nay, mà suy ngẫm đêm ngày, và làm cho lời này trở thành hiện thực trong mọi ngày sống của tôi: Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn.” 

Phạm Đức Hạnh, SJ


0 comments:

Post a Comment