Thursday, April 16, 2020

Thứ Sáu Tuần Bát Nhật Phục Sinh – Năm A –17-4-2020


Thu Sau BN PS

Gioan 21:1-14

1Khi ấy, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a.  Người tỏ mình ra như thế này.  2Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau.  3Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.”  Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.”  Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.  4Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su.  5Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?”  Các ông trả lời: “Thưa không.”  6Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.”  Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.  7Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!”  Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.  8Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.  9Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa.  10Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”  11Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ.  Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con.  Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.  12Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn!”  Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa.  13Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.  14Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Trình thuật Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra lần thứ ba với các môn đệ, trong bài đọc hôm nay, nghe rất lạ tai, rất phi lý, nếu không nói là mê tín, bởi thả lưới bên trái hay bên phải thuyền có gì khác đâu.  Không phi lý và không mê tín chút nào!  Câu chuyện này không có ý tả thực về một cuộc thả lưới của các môn đệ năm xưa, nhưng là về đời sống đức tin của Giáo hội.  Tôi có thể nhận ra ít nhất hai điều trong mấy câu trao đổi giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, trước khi thả lưới: Thứ nhất, dám bỏ cái tôi để nghe người khác; thứ hai, sự thành công của một việc gì đó thường đòi hỏi một ý tưởng mới, đôi khi táo bạo, nhưng cũng tầm thường.  Bỏ cái tôi là một điều rất khó.  Trường hợp các môn đệ lại càng khó hơn khi mà, các ông là dân chài, trong khi đó ông khách lạ (Chúa Giêsu) trên bờ kia là ai mà họ phải nghe theo.  Đồng thời, các ông đã đánh cá cả đêm, không bắt được con cá nào, mệt lắm rồi, thất vọng lắm rồi, vậy mà ông khách lạ lại khuyên các ông làm một việc phi lý, thả lưới bên phải, thay vì bên trái.  Tuy nhiên, các ông cũng đã làm theo và phép lạ đã xảy ra!  Có phải trong cuộc sống của tôi, nhiều khi vất vả, loay hoay làm đi làm lại một việc gì đó mà chẳng có kết quả gì?  Thế rồi, chỉ sau một đêm ngủ, hoặc một ai đó mách một ý kiến, chỉ cần thay đổi một chút xíu trong những gì tôi đã làm, kết quả lại mĩ mãn đến lạ thường.  Có điều gì tôi đang vất vả vật lộn với nó bao lâu nay mà chẳng đi đến đâu không?  Trong lúc này, tôi có thể hỏi Chúa Giêsu, xin Ngài mách cho một mách không?  Cẩn thận để ý, vì Thiên Chúa và tiếng của Ngài thường rất khó nhận ra!  Tôi tỉnh đủ để nhận ra tiếng Chúa đang nói với tôi không?  Tôi khiêm nhường đủ để nghe theo Ngài không?  Tôi can đảm đủ để dám thay đổi, dù chỉ một chút xíu, trong những gì tôi vẫn làm chăng?   

2.      Một chi tiết nữa cũng đáng suy ngẫm trong câu chuyện này: Các môn đệ đã bắt được 153 con cá lớn.  Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, 153 chỉ là con số biểu tượng và cá cũng là hình ảnh biểu tượng.  Trước hết, 153, cũng có thể viết là 1+5+3=9 (Như kiểu chơi bài chín nút của Việt Nam!) là con số biểu tượng trong kiểu nói của người Do-thái để nói về sự toàn hảo, hoặc nhiều thật nhiều.  Vì mở lòng nghe theo ông khách lạ, tức là Chúa Giêsu, mà các môn đệ đã bắt được nhiều cá lớn, vô số kể, dù rằng cả đêm trước đó bằng sức của họ, họ đã chẳng bắt được một con cá nào.  Kế đến, cá là hình ảnh biểu tượng trong câu chuyện này, để nói đến những người theo Chúa.  Tôi có thể nhớ lại ở những chỗ khác trong Phúc âm, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cá để nói đến những người theo hoặc trở về với Chúa, như khi Ngài nói với Simon và An-rê: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những người lưới người như lưới cá” (Mc 1:17; Mt 4:19).  Như vậy, hóa ra câu chuyện của bài đọc hôm nay không phải là nói về việc đánh cá trong đời thật của các môn đệ, mà là nói về công việc truyền giáo ban đầu của các ngài, cũng gian lao lắm mà chẳng đạt được gì vì dựa vào sức riêng của họ, cho đến khi họ cậy nhờ vào Chúa, khi ấy họ mới đạt đến thành công, đến mức không tưởng được.  Tôi có thể xem lại bao lâu nay, việc giáo dục đức tin cho giáo dân và con cái tôi đã chỉ cậy dựa vào sức của tôi hay của Chúa?  Đức tin của họ đến đâu rồi?  Họ còn theo Chúa, theo đạo hay đã bỏ đạo, bỏ Chúa cả rồi?  Có thể Chúa đang nói với tôi phải thay đổi chính tôi, hoặc thay đổi cách thức giáo dục đức tin bao lâu nay của tôi.  Thay đổi một chút xíu như thả lưới bên trái hay bên phải thuyền, tôi dám nghe và dám làm không, dù tôi đã mệt hết sức và đã làm nhiều cách?  Tôi ngồi đây và lắng nghe Chúa dạy bảo.  Tôi mở lòng và để ý Ngài khuyên nhủ tôi ra sao.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment