Sunday, April 12, 2020

Thứ Hai Tuần Bát Nhật Phục Sinh – Năm A –13-4-2020


Thu Hai Ps

Mát-thêu 28:8-15

8Khi ấy, các người phụ nữ vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.  9Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!”  Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người.  10Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê.  Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”  11Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra.  12Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, 13và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác.  14Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.”  15Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy.  Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Tôi có thể thấy ngay hai ý tưởng đáng cho tôi suy ngẫm trong giờ cầu nguyện hôm nay: Thứ nhất, các bà gặp được Chúa Giêsu Phục Sinh và Ngài đã nhờ họ loan báo cho các môn đệ của Ngài rằng: Ngài sẽ gặp họ ở Ga-li-lê.  Trước hết, tôi có thể hình dung niềm vui chen lẫn nghi ngờ và sợ hãi của các bà khi gặp lại Chúa Giêsu Phục Sinh, người mà mặc dù họ rất yêu mến nhưng đã chết mấy ngày trước, và chính họ đã tẩm liệm xác của Ngài.  Tuy nhiên, điểm đáng chú ý hơn cả đó là, tại sao Chúa Giêsu không nói các bà gọi các môn đệ ra chỗ Ngài đang gặp các bà, hoặc là về chuẩn bị cho mọi người, rồi chút nữa Ngài sẽ đến gặp họ, nhưng Ngài lại nói họ đến Ga-li-lê?  Vậy, Ga-li-lê là gì?  Ga-li-lê chính là nơi họ đã sinh ra, lớn lên, lập nghiệp, lấy vợ lấy chồng, gặp được Chúa Giêsu, đi rao giảng với Ngài cho đến khi Ngài chịu khổ hình.  Như vậy, Chúa Giêsu nói họ phải về Ga-li-lê, tức là nơi mà họ rất quen thuộc và gần gũi và Chúa sẽ gặp họ ở đó, nếu họ không gặp Chúa Giêsu Phục Sinh ở đó thì họ sẽ chẳng gặp được Ngài ở bất cứ chỗ nào nữa.  Thế thì Ga-li-lê của tôi ở đâu?  Đó chính là gia đình, cộng đoàn, chòm xóm láng giềng, công sở, trường học, giáo hội, và xã hội quanh tôi.  Tôi phải gặp Chúa Giêsu Phục Sinh ở những chỗ này, nếu tôi không gặp được Ngài ở ngay chính trong gia đình tôi, bạn bè, hàng xóm láng giềng, đừng mong sẽ gặp Chúa ở bất cứ chỗ nào trên trái đất này.  Tôi sẽ tìm gặp Chúa Giêsu Phục Sinh ngay trong giờ cầu nguyện, và sau giờ cầu nguyện này như thế nào?  Tôi xin Chúa một ánh sáng.

2.     Thứ hai, hình ảnh các thượng tế và kỳ mục họp nhau để bàn kế phao tin chống lại những gì binh lính đã mắt thấy tai nghe về biến cố Chúa Giêsu sống lại, lúc họ đang canh giữ mồ Chúa.  Tuy nhiên, họ đã không tài nào che dấu một sự thật, một tin long trời lở đất này được.  Để rồi, ngày hôm nay đã có đến 2.18 tỉ Kitô hữu trên toàn thế giới, khởi đầu từ hai bà Maria đã gặp Chúa Giêsu Phục Sinh vào ngày Thứ nhất Tuần Phục sinh, và sau đó các môn đệ khác cũng đã gặp Ngài ở Ga-li-lê.  Sự thật này nói gì với tôi hôm nay?  Đức tin đến từ một kinh nghiệm cá vị với Chúa Giêsu Phục Sinh thì không tài nào có thể dập tắt được.  Đây là sự thật.  Sự thật là đức tin phải bắt nguồn từ kinh nghiệm cá vị với Thiên Chúa, chứ không phải chỉ tin vào một mớ giáo lý, hay nghe lại của người khác.  Trong giây phút này tôi muốn xem lại đức tin của tôi đã bén rễ sâu trong tương quan với Chúa Giêsu Phục Sinh ra sao và từ kinh nghiệm bản thân như thế nào?  Để có được điều này, tôi phải trở về Ga-li-lê của tôi ngay sau giờ cầu nguyện này, để tìm gặp Chúa Giêsu Phục Sinh.  Chắc chắn cuộc đời tôi sẽ khác, khi tôi gặp được Ngài.  Nếu không niềm tin của tôi sẽ chỉ như niềm tin của các thượng tế và kỳ mục, lạnh lùng và hời hợt, thậm chí còn trở nên thù hằn với Chúa Giêsu Phục Sinh nữa.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Chúa Nay Thực Đã Phục Sinh!” qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=L1ImN9tDySA      



Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment