Saturday, April 18, 2020

Chúa Nhật II Phục Sinh – Năm A –19-4-2020 - Kính Lòng Thương Xót Chúa


CN II PS

Công Vụ Tông Đồ 2:42-47

42Thời bấy giờ, các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.  43Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ.  44Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung.  45Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu.  46Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ.  Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ.  47Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến.  Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.

(Trích Công Vụ Tông Đồ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay ghi nhận một mô hình cộng đoàn Kitô tiên khởi, cách đây hai ngàn năm.  Trong đó, mọi Kitô hữu một lòng một ý, chuyên cần cầu nguyện, tham dự Thánh lễ và chia cơm sẻ áo cho nhau, không ai tìm tư lợi riêng, nhưng lấy mọi sự làm của chung.  Chính mô hình đời sống ấy đã hấp dẫn rất nhiều người gia nhập Giáo hội lúc bấy giờ.  Giáo hội Việt Nam cũng có kinh nghiệm này.  Khi các nhà truyền giáo lần đầu tiên đặt chân đến đất Việt, và lần đầu tiên người Việt tiếp xúc với người Tây nên cả hai không biết tiếng của nhau.  Tuy nhiên bằng quan sát, người Việt thấy các nhà truyền giáo sống với nhau thành cộng đoàn, chuyên chăm cầu nguyện, yêu thương chăm sóc cho nhau, đồng thời hết mình giúp đỡ những người Việt xung quanh họ.  Khi ấy người Việt chưa biết Đạo Công Giáo là gì, và chưa biết những nhà truyền giáo là những người Công giáo, nên đã đặt tên cho đạo của các ngài là “Đạo Yêu Nhau!”  Thế là cái tin về “Đạo Yêu Nhau” của mấy ông Tây đã trở thành hiếu kỳ với người Việt, khiến rất nhiều người tò mò, quan sát và rồi xin gia nhập “Đạo Yêu Nhau” ấy.  Mô hình cộng đoàn Kitô tiên khởi ấy vẫn còn duy trì cho đến ngày nay, trong các dòng tu Công giáo ở khắp nơi trên thế giới.  Như vậy truyền giáo không nhất thiết là phải nói, cho bằng sống.  Lịch sử đã làm chứng điều này và kinh nghiệm của mỗi Kitô hữu cũng khẳng định điều này.  Có phải không khi tôi khản cả cổ dạy kinh bổn, hò hét con cái đi lễ, cuối cùng chẳng ai nhớ và sống đạo được bao nhiêu, trong khi đó những hành động nhân ái, cử chỉ yêu thương, đời sống xả thân phục vụ lại giúp họ nhận ra Chúa chính xác nhất, yêu Chúa nhiều nhất và là những điều họ nhớ mãi, truyền từ đời này qua đời khác, đồng thời muốn áp dụng cho chính họ.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn xem đời sống đức tin của tôi, trước hết trong gia đình rồi đến xứ đạo: Kinh nghiệm nào trong đời sống của tôi đã dẫn con cái tôi, bạn bè tôi đến gần Chúa nhất, hiểu Chúa nhất và yêu Chúa nhất?  Có phải là đọc kinh oang oang, trả lời giáo lý ra rả, hay là những lời nói yêu thương, cử chỉ ân cần, tấm lòng bác ái vị tha?  Tôi có thể áp dụng mô hình của cộng đoàn Kitô tiên khởi trong gia đình tôi hôm nay không? 

2.      Mô hình của cộng đoàn Kitô tiên khởi đã hấp dẫn cả thế giới trong suốt hai ngàn năm qua.  Kể cả những người Cộng sản vô thần, khởi đi từ tư tưởng Mác-xít, đã từng cổ võ một xã hội kiểu mô hình ấy, huynh đệ đại đồng, trong đó mọi người làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu.  Tuy nhiên Cộng sản đã không thành công, bởi lối sống ấy đã gây mục ruỗng đầy tham nhũng trong xã hội, dẫn đến cả khối Cộng sản Tây phương sụp đổ.  Ngày hôm nay, mặc dù Trung Quốc và Việt Nam, trên văn bản, vẫn còn gọi là xã hội chủ nghĩa, nhưng trong ruột lại là thể chế độc tài, trong đó tràn lan những nhóm lợi ích tư sản đỏ, không còn là Cộng sản thuần túy nữa!  Thế nhưng, không chỉ có Cộng sản thất bại trong việc áp dụng mô hình kiểu cộng đoàn Kitô tiên khởi, cả Giáo hội Công giáo, các dòng tu Công giáo, các xứ đạo Công giáo, các gia đình Công giáo cũng có thể thất bại với mô hình ấy, một khi gạt Thiên Chúa ra khỏi đời sống của mình.  Các cộng đoàn Kitô tiên khởi và các nhà truyền giáo năm xưa đã gắn kết với nhau nhờ họ đã đặt Thiên Chúa làm trung tâm của đời sống: họ chuyên chăm cầu nguyện và tham dự Thánh lễ.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn xem xét đời sống của tôi, gia đình tôi, xứ đạo tôi, dòng tu tôi, Giáo hội tôi đang có những lủng củng và chia rẽ nào?  Sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa có còn là quan trọng nhất trong đời sống của tôi, của gia đình và cộng đoàn nữa hay không?  Một khi tôi không cầu nguyện, tôi không còn sức để phục vụ, không thể vươn ra với mọi người; tôi sẽ trở nên ích kỷ, co cụm lại chính mình, sống trong sợ hãi, bi quan, hận thù, và bất khoan dung với mọi người.  Tôi quyết định gì sau giờ cầu nguyện này để, đời sống của tôi, gia đình tôi, cộng đoàn tôi trở nên đầy sức sống, đầy yêu thương và là nguồn hấp dẫn giúp mọi người gặp Chúa và gặp nhau? 

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment