Tuesday, April 28, 2020

Thứ Tư Tuần III Phục Sinh – Năm A –29 -4-2020


Thu Tu III PS

Tông Đồ Công Vụ 8:1b-8

1bHồi ấy, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội.  Ngoài các Tông Đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri.
2Có mấy người sùng đạo chôn cất ông Tê-pha-nô và khóc thương ông thảm thiết.
3Còn ông Sao-lô thì cứ phá hoại Hội Thánh: ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục.
4Vậy những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo lời Chúa.
5Ông Phi-líp-phê xuống một thành miền Sa-ma-ri và rao giảng Đức Ki-tô cho dân cư ở đó.  6Đám đông một lòng chú ý đến những điều ông Phi-líp-phê giảng, bởi được nghe đồn và được chứng kiến những dấu lạ ông làm.  7Thật vậy, các thần ô uế vừa kêu lớn tiếng vừa xuất khỏi nhiều người trong số những kẻ bị chúng ám.  Nhiều người tê bại và tàn tật được chữa lành.  8Trong thành, người ta rất vui mừng.

(Trích Công Vụ Tông Đồ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một trong những trang sử của Giáo hội sơ khai, những trang sử của những cuộc bách hại.  Trong đó Sao-lô, mà sau này là Thánh Phao-lô, một trong hai vị thánh cột trụ của Giáo hội, đã bách hại những người theo Chúa Giêsu một cách tàn bạo, khiến các Kitô hữu phải trốn chạy và tản mát khắp nơi.  Tuy nhiên, dù ở đâu và dù bị bách hại như thế nào, các Kitô hữu đã luôn loan truyền danh Chúa Giêsu, Đấng mà họ luôn tìm thấy sức mạnh, nguồn hy vọng, và sự sống đích thực.  Chính vì thế, khi càng bị bắt bớ, tin mừng về Chúa Giêsu càng được lan nhanh, lan mạnh, và Giáo hội càng phát triển.  Đã có một chút cơ may nào, niềm tin vào Chúa Giêsu đã được loan truyền từ đời sống của tôi chưa?  Chẳng hạn như đời sống cầu nguyện, gương nhân đức, và nếp sống hòa hợp yêu thương của tôi, khiến mọi người nhận ra Chúa trong tôi và yêu mến Chúa hơn. 
2.      Có người nói Thiên Chúa mà người Kitô hữu tôn thờ là Thiên Chúa của cơ hội, tức là không ai là quá tội lỗi và quá trễ để trở về với Ngài.  Sao-lô là một ví dụ cụ thể.  Dù là một người bắt bớ tàn bạo những ai theo Chúa Giêsu, ông đã được hoán cải và trở thành Thánh Phao-lô, một người đầy nhiệt huyết, yêu mến Chúa Giêsu hết mình, và sẵn sàng chết cho niềm tin vào Chúa Giêsu.  Ngài đã trở thành một trong hai vị thánh lớn nhất của Giáo hội, thậm chí có người coi ngài như là vị sáng lập Kitô giáo.  Có tội lỗi nào hay rào cản nào đang làm cho tôi xa cách, hoặc thiếu tin tưởng vào tình yêu của Chúa không?  Dù tôi tội lỗi hay thánh thiện, trong giây phút này tôi muốn chiêm ngắm Chúa, xem Ngài đang chiêm ngắm tôi như thế nào.  Tôi để ý xem, Ngài đã chờ đợi tôi bao lâu?  Ngài đang có ước mơ hay dự định gì cho tôi?  Tôi để ý lòng tôi đang muốn đáp trả như thế nào với Ngài.        
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment