Do-thái 4:14-16; 6:7-9
4/14Chúng
ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con
Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững
lời tuyên xưng đức tin. 15Vị Thượng Tế của chúng ta không phải
là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử
thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. 16Bởi
thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót
thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần. 5/7Khi
còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời
khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn
kính. 8Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau
khổ mới học được thế nào là vâng phục; 9và khi chính bản thân
đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những
ai tùng phục Người.
(Trích Thư Do-thái bản dịch của Nhóm Phiên
Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Không thể phủ nhận, vào cuối hành trình rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài đã
bị phản bội, bị bắt, bị bỏ rơi, bị đánh đập, bị ngược đãi, bị khinh bỉ và bị
đóng đinh, chết treo trên thập giá như một tử tội. Cuộc thương khó của Chúa Giêsu diễn tả trọn
vẹn khuôn mặt ác độc đến tàn bạo của con người.
Tuy nhiên, có phải những đau khổ và sự tàn độc mà Chúa Giêsu đã phải trải
qua, đem lại ơn cứu độ cho tôi?
Không. Bởi đâu phải chiều hôm xưa
chỉ có một mình Chúa Giêsu, nhưng đã có cả hai tên trộm, cũng bị hành hình một
cách dã man và nhục nhã đến chết kia mà.
Kiểu tử hình trên thập giá, không phải là độc chiêu của người
La-mã. Trước La-mã, khoảng thế kỷ 6 TCN,
người Assyria, tức Iraq ngày nay, và người Persia (Ba-tư), tức Iran ngày nay,
đã chế ra cách xử tử này. Khi La-mã
chiếm Persia (Ba-tư), vào thế kỷ thứ 4 TCN, họ đã áp dụng cách xử tử này cho
các nước ở phía đông Địa Trung Hải, trong đó có Do-thái. Tính đến thời Chúa Giêsu, hàng ngàn ngàn người
đã bị La-mã xử tử kiểu này. Cũng chẳng
phải chỉ có hàng ngàn ngàn người chết treo trên thập tự là đau khổ tàn khốc
nhất, lịch sử nhân loại từ xưa cho đến nay, có đến hàng triệu con người bị hành
hạ, đau khổ tàn khốc triền miên hơn thế nữa.
Ấy thế mà hàng triệu người ấy, không một ai đã mang lại ơn cứu độ cho
tôi, ngoại trừ Chúa Giêsu. Hóa ra đau
khổ không bao giờ làm nên ơn cứu độ, chỉ có tình yêu Chúa Giêsu, yêu tôi cho
đến cùng, chính tình yêu này mới đem lại ơn cứu độ cho tôi. Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu, Đấng đã yêu
tôi đến mức dám thí mạng sống vì tôi?
2. Một số dân tộc chẳng hạn như Phi-luật-tân, Tây-ban-nha, Mễ-tây-cơ, Ý, Maltese và Việt
Nam cứ đến thứ Sáu Tuần Thánh mỗi năm, thường thích bi kịch hóa cuộc thương khó
của Chúa Giêsu. Xứ này, họ đạo kia tái
diễn lại cuộc khổ hình của Chúa Giêsu bằng nhiều hình thức: diễn tuồng, mặc áo
tang, ngắm nguyện rên rỉ, ỉ ôi cứ như thể đau khổ của Chúa Giêsu là nguồn ơn cứu
độ! Ấy là chưa kể ngày nay, nhiều gia
đình, cứ mỗi Thứ Sáu Tuần Thánh hằng năm lại đem cuốn phim của Mel Gibson về “Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu” xem lại, rồi
sụt sùi mũi dãi khóc thương tội nghiệp Chúa!
Sau một vài giọt nước mắt và một vài câu ngắm nguyện ỉ ôi, coi như tôi
đã sống trọn Tam Nhật Thánh. Kitô giáo
không phải là tôn giáo tôn sùng đau khổ, nhưng tôn sùng tình yêu vượt thắng sự
chết. Tuần Thánh không dừng ở đồi
Gôn-gô-tha, nhưng ở sự phục sinh của Chúa Giêsu. Chính vì vậy Thứ Sáu Tuần Thánh được gọi là "Good Friday." Nếu tôi chỉ tập trung vào cuộc khổ nạn của
Chúa Giêsu, bi kịch hóa cuộc khổ nạn ấy, mà không nhận ra tình yêu của Chúa Giêsu
vượt thắng sự chết, tôi đã lạc đạo và tôi là một người khốn nạn nhất trong
thiên hạ. Tôi muốn đọc lại thư Do-thái
trên để thấy hướng mở cho những đau khổ của tôi hôm nay. Không một ai trong cuộc đời mà không phải đi
qua đau khổ, nhưng hôm nay con đường đau khổ của tôi đã có Chúa Giêsu cùng đi
chung. Tôi cảm thấy thế nào khi Chúa Giêsu
rất quen thuộc với những đau khổ của tôi, Ngài muốn cùng vác chung và cùng chết
cho tôi? Nếu tôi hướng về Chúa Giêsu,
mời Ngài cùng vác đau khổ chung với tôi, chắc chắn, không một đau khổ nào của
tôi lại dừng ở cái chết, nhưng sẽ ở trong sự phục sinh của Chúa Giêsu.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment