Monday, April 27, 2020

Thứ Ba Tuần III Phục Sinh – Năm A –28-4-2020


Thu Ba III PS

Tông Đồ Công Vụ 7:51-8:1a

7/51Bấy giờ, trước mặt đám đông dân chúng, các kỳ mục và kinh sư, ông Tê-pha-nô tuyên bố: “Hỡi những người cứng đầu cứng cổ, lòng và tai không cắt bì, các ông luôn luôn chống lại Thánh Thần.  Cha ông các ông thế nào, thì các ông cũng vậy.  52Có ngôn sứ nào mà cha ông các ông không bắt bớ? Họ đã giết những vị tiên báo Đấng Công Chính sẽ đến; còn các ông, nay đã trở thành những kẻ phản bội và sát hại Đấng ấy.  53Các ông là những người đã lãnh nhận Lề Luật do các thiên sứ công bố, nhưng lại chẳng tuân giữ.”
54Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông Tê-pha-nô.
55Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giê-su đứng bên hữu Thiên Chúa.  56Ông nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.”  57Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông 58rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá.  Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Sao-lô.  59Họ ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con.”  60Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.”  Nói thế rồi, ông an nghỉ.
8/1aPhần ông Sao-lô, ông tán thành việc giết ông Tê-pha-nô.

(Trích Công Vụ Tông Đồ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một ghi nhận rất quan trọng trong lịch sử Kitô giáo, cuộc tử đạo đầu tiên trong Giáo hội, thánh Tê-pha-nô.  Tôi có thể thấy sự can đảm phi thường và đầy tự tin tuyên tín niềm tin của ngài vào Chúa Giêsu, trước khi bị ném đá cho đến chết.  Chắc chắn, sự can đảm và đầy xác tín của Tê-pha-nô phải đến từ những kinh nghiệm rất sâu đậm với Chúa Giêsu Phục Sinh.  Tôi có thể đọc lại bài đọc trên, để chiêm ngắm mẫu gương tử đạo đầu tiên trong Giáo hội, và xin cho gương đức tin của Thánh Tê-pha-nô làm cho niềm tin của tôi vào Chúa Giêsu Phục Sinh cũng được mạnh mẽ hơn.
2.     Một điểm cũng rất quan trọng trong trình thuật tử đạo của Thánh Tê-pha-nô, đó là: sự tha thứ.  Ba câu chuyện tử đạo nổi bật đầu tiên trong Tân Ước: 1) Cuộc tử đạo của Thánh Gioan Tẩy Giả, 2) cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, và 3) cuộc tử đạo của Thánh Tê-pha-nô.  Bắt chước Chúa Giêsu, từ trên thập giá, đã tha thứ cho những người giết mình, Thánh Tê-pha-nô cũng đã tha thứ cho những người ném đá mình.  Một sự tha thứ chưa thấy xuất hiện trong trình thuật về cuộc tử đạo của Gioan Tẩy Giả.  Như vậy, sự tha thứ là một nét đặc biệt của Kitô Giáo, khởi đầu từ một trong những bài giảng trên núi của Chúa Giêsu về sự tha thứ (Mt 5:43-48; Lk 6:27-28, 32-36).  Chúa Giêsu không chỉ dạy tôi phải tha thứ cho kẻ thù, chính Ngài từ trên thập giá, cũng đã tha thứ cho những người giết Ngài (Lc 23:34).  Tha thứ là một nhân đức cao quý mà mọi tôn giáo và mọi văn hóa đều quý trọng.  Tuy nhiên, tha thứ không bao giờ dễ, đặc biệt tha thứ cho những người giết mình.  Tôi có cảm nghiệm được Chúa tha thứ bao giờ chưa?  Tôi có kinh nghiệm về tha thứ cho ai bao giờ chưa?  Điều gì đã khiến tôi muốn tha thứ, hay đã cho tôi sức mạnh để tha thứ?  Tôi cảm thấy thế nào trong tâm hồn khi tha thứ?  Bình an?  Tự do?  Gần Chúa?  Tôi có đang gặp khó khăn tha thứ cho ai trong lúc này không?  Tôi có thể nói chuyện với Thánh Tê-pha-nô và Chúa Giêsu trong lúc này.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Hãy Tha Thứ Bảy Mươi Lần Bảy,” của Minh Kỳ và Công Huỳnh, qua đường dẫn sau đây: https://www.youtube.com/watch?v=pLXoXqDnRe4
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment