Friday, April 10, 2020

Thứ Bảy Tuần Thánh – Năm A –11-4-2020 – Vọng Phục Sinh


Thu Bay TT

Mát-thêu 28:1-10

1Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ.  2Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; 3diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết.  4Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi.  5Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: "Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh.  6Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói.  Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, 7rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người.  Đấy, tôi xin nói cho các bà hay."  8Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.  9Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: "Chào chị em!" Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người.  10Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: "Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó."

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay có nhiều chi tiết rất đáng chú ý.  Trước hết, Mát-thêu viết: Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ.”  Câu nói này nói lên sự thấp thỏm, bồn chồn mong chờ cho ngày sa-bát qua mau, để rồi khi mặt trời vừa ló rạng, Maria Mác-đa-la và một Maria khác đi ra mộ ngay.  Điều này nói đến một sự gắn bó đầy yêu thương của hai bà với Chúa Giêsu.  Chắc chắn trong suy nghĩ của các bà, Chúa Giêsu mà các bà rất yêu mến đã chết; nhưng trong cảm tính của các bà, Ngài vẫn sống, sự chết thể xác đã không giết chết được Chúa Giêsu trong trái tim các bà.  Bởi theo lẽ thường, khi yêu ai tôi không muốn người ấy chết.  Cho dẫu, người ấy không còn hiện diện trên trái đất này, nhưng người ấy vẫn sống trong tim tôi.  Ngược lại, khi không còn yêu người nào đó, thì dù người ấy vẫn hiện diện bên cạnh tôi, nhưng người ấy đã thật sự chết.  Điều này quan trọng, vì nó giúp tôi nhật biết rằng, chỉ khi nào tôi có tình yêu và niềm tin, tôi mới có thể gặp được Chúa Giêsu phục sinh.  Nếu không, Chúa Giêsu đã chết và chẳng bao giờ sống lại.  Đây cũng là tuyên bố của những người vô thần.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn tự hỏi: Tôi có thật sự yêu Chúa Giêsu không?  Tôi có thật sự tin Ngài không?  Nếu có, tôi sẽ thấy Ngài và gặp được Ngài ngay trong giờ cầu nguyện này.  Nếu không, tôi muốn nói gì với Ngài để tôi có một tình yêu, một niềm tin sâu đậm ở Ngài, giúp tôi nhận ra Ngài vẫn sống bên tôi và trong tôi?

2.     À mà Chúa Giêsu không chỉ vẫn sống trong cảm tính, như hai người yêu nhau.  Chúa Giêsu đã sống lại thật.  Mát-thêu mô tả các thiên thần loan tin vui Chúa Giêsu phục sinh bên cạnh những chuyển động mạnh của vũ trụ như: động đất, đá lăn, lính tráng sợ hãi…  Không biết có biến cố động đất hay không, nhưng cách viết này Mát-thêu dường như muốn nói: Tin vui phục sinh là một tin lớn như chuyện long trời lở đất, chấn động mọi người nghe, bởi xưa nay chưa bao giờ có ai sống lại từ cõi chết, mà nay Chúa Giêsu đã thực sự sống lại.  Sau khi được các thiên thần loan báo, các bà vui mừng chạy về báo cho các môn đệ của Chúa Giêsu ngay.  Các bà không chỉ được các thiên thần báo tin, các bà đã được chính Chúa Giêsu hiện ra.  Kinh nghiệm này làm niềm tin các bà xác tín và mạnh mẽ hơn.  Giờ đây niềm vui các bà đã được nhân đôi và nỗi buồn và sợ đã tiêu tan.  Tôi muốn đọc lại trình thuật phục sinh trên và đi vào những cảm nghiệm của các bà gặp Chúa Giêsu phục sinh: họ đang đau buồn và thương nhớ Chúa Giêsu nay được Ngài an ủi; họ đang sợ hãi vì Chúa Giêsu đã bị giết, nay Chúa Giêsu hiện ra và làm cho các bà mạnh mẽ.  Hôm nay là ngày lễ mừng Chúa Giêsu phục sinh, tôi có thể xin các bà kể lại cho tôi nghe kinh nghiệm của các bà đã gặp Chúa Giesu phục sinh, tâm trạng của họ như thế nào?  Vui?  Nghi ngờ?  Hoang mang?  Sợ hãi?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Hoan Ca Phục Sinh,” qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=UeijUrIYZpw    

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment