Saturday, April 11, 2020

Chúa Nhật Phục Sinh – Năm A –12-4-2020


CN PS

Gioan 20:1-9

1Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.  2Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến.  Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”  3Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ.  4Cả hai người cùng chạy.  Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước.  5Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.  6Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi.  Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7và khăn che đầu Đức Giê-su.  Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.  8Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào.  Ông đã thấy và đã tin.  9Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Cả hai Phúc âm Gioan (bài đọc hôm nay) và Phúc âm Mát-thêu (bài đọc đêm qua) đều nói: Maria Mác-đa-la đã đi ra mộ Chúa Giêsu từ lúc tờ mờ sáng của ngày thứ nhất trong tuần.  Khi bà đến mộ thì ngỡ ngàng vì thứ nhất, hòn đá lớn che cửa mộ đã được lăn ra; thứ hai, kinh hoàng và đau khổ hơn nữa, bà không còn thấy xác Chúa Giêsu đâu nữa.  Bà liền chạy về báo tin cho Phê-rô và người môn đệ Chúa Giêsu yêu.  Họ chạy ra xem và cũng không thấy xác Chúa Giêsu đâu nữa.  Trong giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn đi vào tâm trạng của ba người này.  Tôi cảm thấy họ như thế nào?  Sợ hãi, hoang mang, đau khổ, thất vọng, mất phương hướng, co cụm lại với nhau, than trách nhau vì đã không thức với Thầy, vì đã để Thầy bị bắt, vì đã để Thầy bị giết, và bây giờ cái xác của Thầy cũng để bị mất nữa…  Họ là những người rất thương, rất gần và đặt trọn niềm tin vào Chúa Giêsu, vậy mà bây giờ Ngài lại bị giết một cách nhục nhã trên thập giá, như một tử tội.  Chắc chắn, họ còn khủng hoảng và sợ hơn nữa khi xác của Chúa Giêsu biến mất khỏi mộ ngay ngày đầu tuần.  Đây là một điềm báo rất xấu cho họ, vì nếu xác Thầy của họ mà người ta cũng không để yên, tính mạng của họ người ta cũng sẽ không để yên, là điểm nhắm kế tiếp.  Chỉ khi nào tôi hiểu được tâm trạng của các môn đệ lúc này, tôi mới hiểu được họ đón nhận tin mừng Phục sinh ra sao.     

2.     Cả ba đều đã đến tận mộ và khám phá ra rằng, xác Chúa Giêsu không còn trong mộ nữa.  Trước hết, mộ trống không phải là bằng chứng chắc chắn cho biết Chúa Giêsu đã sống lại.  Ngôi mộ trống chỉ là bằng chứng để nói rằng, Chúa Giêsu thực sự đã chết; chính các các môn đệ đã tháo xác Ngài xuống khỏi thập giá và đã mai táng Ngài trong mộ đó, vào đêm vọng ngày sa-bát.  Hai ngàn năm qua, năm nào Giáo hội cũng đọc lại bài đọc này, nhưng không bao giờ nói rằng Chúa Giêsu phục sinh chỉ vì mộ của Ngài trống, nhưng vì sự phục sinh của Chúa Giêsu đã được tiên báo trước từ Kinh Thánh, và đặc biệt hơn, vì những nhân chứng sống, đã gặp lại Chúa Giêsu, xuất hiện trong thân xác và không thân xác, không còn phụ thuộc vào thời gian và không gian nữa, như tôi sẽ thấy trong các bài đọc của những ngày sắp tới.  Các môn đệ đã gặp lại Chúa Giêsu phục sinh, cuộc đời họ đã được biến đổi hoàn toàn, và sẵn sàng đổ máu để làm chứng cho niềm tin này.  Nên nhớ, trong cuộc đời này, chẳng ai đổ máu vì tin vịt bao giờ!  Tuy nhiên, tin Chúa sống lại không bao giờ là một tin dễ nghe, trái lại rất khó nghe.  Chính vì thế, nếu có một người sống lại thì tin này quả là chấn động thiên cung, như bài đọc vọng phục sinh đêm qua, ví tin này với cuộc động đất mạnh.  Một chi tiết trong bài đọc hôm nay cho biết, đó là môn đệ được Chúa Giêsu yêu đã tin trước nhất.  Chỉ có tình yêu với Chúa Giêsu mới giúp tôi nhận ra Ngài đã phục sinh.  Tôi tin Chúa Giêsu sống lại không?  Niềm tin vào Chúa Giêsu phục sinh đã biến đổi đời sống tôi ra sao?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu Phục sinh trong giây phút này và tôi sẽ nói gì với thế giới về niềm tin của tôi vào Chúa Giêsu Phục sinh, sau giờ cầu nguyện này?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Khải Hoàn Ca.  Alleluia!,” của nhạc sĩ Phùng Minh Mẫn, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=F6_nLpI10ic        

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment