Saturday, April 4, 2020

Chúa Nhật Lễ Lá – Tuần Thánh – Năm A –5-4-2020


CN Le La

Mát-thêu 21:1-11

1Mấy ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su và các môn đệ đến gần thành Giê-ru-sa-lem và tới làng Bết-pha-ghê, phía núi Ô-liu.  Bấy giờ, Đức Giê-su sai hai môn đệ và 2bảo: “Các anh đi vào làng trước mặt kia, và sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có con lừa con bên cạnh.  Các anh cởi dây ra và dắt về cho Thầy.  3Nếu có ai nói gì với các anh, thì trả lời là Chúa cần đến chúng, Người sẽ gởi lại ngay.”  4Sự việc đó xảy ra như thế để ứng nghiệm lời ngôn sứ: 5Hãy bảo thiếu nữ Xi-on: Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ.  6Các môn đệ ra đi và làm theo lời Đức Giê-su đã truyền.  7Các ông dắt lừa mẹ và lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Đức Giê-su cỡi lên.  8Một đám người rất đông cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi.  9Dân chúng, người đi trước kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời.  10Khi Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: “Ông này là ai vậy?”  11Dân chúng trả lời: “Ngôn sứ Giê-su, người Na-da-rét, xứ Ga-li-lê đấy.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện
1.      Hôm nay Chúa Nhật Lễ Lá, tưởng niệm việc Chúa Giêsu vào Thành Giê-ru-sa-lem năm xưa.  Giê-ru-sa-lem là thủ đô và là nơi thờ phượng chính của Do-thái, vì thế hình ảnh Chúa Giêsu vào Thành Giê-ru-sa-lem mang một ý nghĩa quan trọng.  Đối với những người Do-thái, kể cả các môn đệ cho đến giây phút này, vẫn hiểu sai về Chúa Giêsu.  Họ nhìn Ngài như một chính trị gia đầy hứa hẹn, có thể giúp dân tộc họ thoát ách đô hộ của Đế quốc La-mã.  Dù họ hiểu sai về Chúa Giêsu như một chính khách, Ngài đã vào thành trong cung cách thật khiêm nhường và lặng lẽ, không kèn trống, không ngựa võng hay binh lính.  Ngài chỉ cưỡi trên một con lừa con, trong khi đó dân chúng trải áo và chặt cành lá tung hô Ngài.  Tôi nghĩ sao về hình ảnh này?  Tôi có ở trong đám đông nghinh đón Chúa Giêsu không?  Họ trải áo, cầm cành lá làm cờ quạt để tung hô nghinh đón Chúa Giêsu, còn tôi làm gì để nghinh đón Ngài?  Những người Do-thái nghinh đón Chúa Giêsu trong cái hiểu và niềm tin như thế nào không quan trọng cho bằng, tôi nghinh đón Ngài với một niềm tin như thế nào trong giờ cầu nguyện này?  Tôi muốn dùng những giây phút này để nhìn vào chính tôi.
2.      Trong cái hiểu đúng với Tin Mừng, Giê-ru-sa-lem là đỉnh cao của công cuộc rao giảng của Chúa Giêsu, nơi Ngài sẽ bị bắt, bị bỏ rơi, bị đánh đập, bị khinh bỉ, bị giết một cách đau đớn và nhục nhã, nhưng rồi sẽ sống lại.  Hôm nay là ngày đầu tiên của Tuần Thánh, tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, tôi muốn đi vào tâm trạng của Chúa Giêsu, sống lại những giây phút trước khi Ngài bị bắt và giết chết.  Tôi muốn cảm được những đau khổ, sợ hãi và cô đơn của Chúa Giêsu.  Chắc chắn, tâm trạng Chúa Giêsu không ồn ào, nhộn nhịp như những tiếng tung hô của dân chúng, nhưng buồn sầu, cô vắng, như Giáo hội đi vào Tuần Thánh giữa cơn đại dịch năm nay, nhà thờ trống vắng, không một bóng giáo dân, không đàn hát, không khua chiêng gõ mõ, khắp nơi dân chúng hoang mang, sợ hãi vì đại dịch.  Tôi muốn ngồi đây với một mình Chúa Giêsu và tâm sự với Ngài, trong giờ cầu nguyện này.            
Phạm Đức Hạnh, SJ


0 comments:

Post a Comment