Công Vụ Tông Đồ 4:13-21
13Bấy giờ, các thủ lãnh Do-thái, các kỳ mục và kinh sư ngạc nhiên khi thấy
ông Phê-rô và ông Gio-an mạnh dạn, và biết rằng hai ông là những người không có
chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân. Họ
nhận ra hai ông là những người đã từng theo Đức Giê-su; 14đồng
thời họ lại thấy người đã được chữa lành đứng đó với hai ông, nên họ không biết
đối đáp thế nào. 15Họ mới truyền cho hai ông ra khỏi Thượng
Hội Đồng, và bàn tính với nhau. 16Họ nói: “Ta phải xử làm sao
với những người này? Họ đã làm một dấu
lạ rành rành: điều đó hiển nhiên đối với mọi người cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, và
ta không thể chối được. 17Nhưng để cho việc đó khỏi lan rộng
thêm trong dân, ta hãy ngăm đe, nghiêm cấm họ từ nay không được nói đến danh ấy
với ai nữa.” 18Họ cho gọi hai
ông vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức
Giê-su nữa. 19Hai ông Phê-rô và Gio-an đáp lại: “Nghe lời các
ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải
lẽ không? Các ông thử xét xem! 20Phần
chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói
ra.” 21Sau khi ngăm đe lần nữa, họ thả hai ông về, vì không
tìm được cách trừng trị hai ông. Lý do
là vì họ sợ dân: ai nấy đều tôn vinh Thiên Chúa vì việc đã xảy ra.
(Trích Công Vụ Tông Đồ bản dịch của Nhóm Phiên
Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý
cầu nguyện
1. Nếu
theo dõi các bài đọc từ Tam Nhật Thánh đến nay, tôi sẽ thấy rõ sự biến đổi rất
lớn ở các môn đệ của Chúa Giêsu. Khi Chúa Giêsu bị bắt, các môn đệ
sợ, chạy toán loạn, bỏ mặc Chúa Giêsu một mình. Có người chạy rớt cả
khố (Mc 14:52); trong khi đó, Phê-rô chối Chúa một cách hèn hạ rằng, ông chẳng
có một liên hệ gì với Chúa Giêsu (Mt 26:69-74; Mc 14:66-68; Lk 26:55-60; Ga
18:17-27), mặc dù trước đó, ông vênh vang mà nói, “Đứa nào giỏi đụng
đến Thầy, bước qua xác con!” (Mt 26:33; Lc 22:33; Mc 14:29; Ga 13:37). Sau
khi Chúa Giêsu chết và chôn trong mồ, tất cả các môn đệ đều sợ hãi, nhốt mình
trong phòng đóng kín, có người còn bỏ về quê trong thất vọng, đau buồn và sợ
hãi. Ấy vậy mà sau khi gặp được Chúa Giêsu Phục Sinh, họ như trở
thành những con người mới hoàn toàn, vui tươi, phấn khởi, đầy lạc quan và hy
vọng. Ai cũng rất mạnh mẽ, tung ra khỏi phòng khép kín, đứng giữa
hội đường và các ngã đường tung hô, ca ngợi và rao giảng với mọi người rằng,
Chúa Giêsu đã sống lại! Các môn đệ đã cảm nhận Tin mừng Phục sinh
như thế đó! Tôi có nhận thấy có một sự biến đổi mạnh mẽ nơi tôi
trong Lễ Phục Sinh này không? Tôi có nhìn mọi người, mọi sự bằng một
cặp mắt mới của Chúa Giêsu Phục Sinh, vui tươi, hoan lạc, tích cực, mạnh mẽ và
đầy sức sống không? Nếu không, tôi có thể nói chuyện với Chúa Giêsu
xem, cái gì đang ngăn cản tôi sống vui, sống hạnh phúc, sống yêu thương, sống
yêu đời hơn? Tôi xin Ngài phục sinh tôi.
2. Điều gì đã biến đổi các môn đệ một cách lạ lùng như vậy? Đó là vì họ đã gặp, đã kinh nghiệm trực tiếp Chúa Giêsu Phục Sinh. Chính vì thế, họ trở nên mạnh bạo, không còn sợ hãi nữa. Tất cả như tìm ra được hướng đi và ý nghĩa cho cuộc đời của họ. Họ không thể giữ niềm vui này cho riêng mình, nhưng đổ ra đường, nói với mọi người những gì Chúa Giêsu đã làm cho họ, mà không một quyền lực nào trên thế gian này đã bịt miệng họ được. Tất cả các môn đệ đều đã trở thành những nhà rao giảng tin mừng, đem tin vui cho cuộc đời, và sẵn sàng chết cho Chúa Giêsu Phục Sinh. Tôi có thể đọc lại bài đọc trên và muốn kinh nghiệm trực tiếp Chúa Giêsu Phục Sinh trong giờ cầu nguyện này. Tôi để ý lòng ao ước trong tôi lớn dần như thế nào, và sẽ nói tin mừng Chúa Giêsu Phục Sinh như thế nào trong ngày hôm nay? Giữa thế giới đang đảo điên vì đại dịch covid-19, tôi sẽ đem tin mừng, tin hy vọng, tin sức sống như thế nào tới, trước hết, mọi người quanh tôi, sau nữa là thế giới?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment