Sáng Thế 17:3-9
3Khi ấy, ông Áp-ram cúi rạp xuống. Thiên
Chúa phán với ông rằng: 4“Phần Ta, đây là giao ước của Ta
với ngươi: ngươi sẽ làm cha của vô số dân tộc. 5Người ta sẽ không còn gọi tên ngươi là Áp-ram
nữa, nhưng là Áp-ra-ham, vì Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc. 6Ta sẽ cho ngươi sinh ra nhiều, thật nhiều: Ta
sẽ làm cho ngươi thành những dân tộc, và vua chúa sẽ phát xuất từ ngươi. 7Ta sẽ lập giao ước của Ta giữa Ta với ngươi
và với dòng dõi ngươi sau này, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đây sẽ là giao ước
vĩnh cửu, do đó Ta sẽ là Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi sau
này.
8Ta sẽ ban cho ngươi
và dòng dõi ngươi sau này miền đất ngươi đang trú ngụ, tức là tất cả đất Ca-na-an, làm sở hữu
vĩnh viễn; và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng.” 9Thiên
Chúa phán với ông Áp-ra-ham: “Phần ngươi, hãy giữ giao ước
của Ta, ngươi và dòng dõi ngươi sau này, từ thế hệ này qua thế hệ khác.”
(Trích Sách Sáng Thế bản dịch của Nhóm Phiên
Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Một hình ảnh rất đẹp mà Kitô giáo đã được thừa hưởng từ Do-thái giáo đó
là, hình ảnh Thiên Chúa hiện thân, đồng hành cùng con người trong một tương
quan thân mật như vợ chồng. Thiên Chúa
ấy không chỉ rất quen thuộc với những đau khổ và cách hành xử của con người,
nhưng con người cũng có thể đối thoại và tương tác với Ngài như bạn với bạn, như
vợ với chồng. Bài đọc hôm nay có mời gọi
tôi đi vào trong tương quan thân mật như vậy với Chúa không? Trong bài đọc hôm nay, Thiên Chúa đã đi bước
trước kết ước với con người, qua Áp-ra-ham. Thiên Chúa ao ước đến với con người trong một
tương quan thân mật như vậy, tôi muốn không?
Tôi cảm thấy thế nào? Ngại ngùng,
vui sướng, nghi ngờ trước lòng mong ước này của Chúa đang chờ đợi tôi?
2. Trong bài đọc này, khi Chúa ngỏ lời kết ước cùng Áp-ram, Ngài gọi ông bằng
một tên mới, Áp-ra-ham. Điều này cũng
như các đôi bạn trẻ khi bước vào yêu, họ không gọi nhau bằng
tên trong giấy khai sanh nữa, mà gọi nhau bằng “anh”, “em”, “cưng”, “mình”…,
tiếng này rất thân thương, thân mật mà chỉ hai người ấy mới có thể cảm nghiệm
được sự rung cảm tận trong tim, mỗi khi họ gọi nhau. Tôi đã theo Chúa bao lâu nay, Chúa và tôi đã
gọi nhau bằng tên gì? Tên ấy riêng tư và
thân thương như thế nào? Mỗi khi Chúa
gọi tôi, tôi có cảm thấy vui sướng, hạnh phúc và gần gũi với Ngài không? Giờ cầu nguyện này, tôi có thể để ý, lắng nghe
Chúa gọi tôi bằng tên riêng, và để tiếng gọi thân thương ấy kết hiệp tôi với Ngài một cách sâu đậm và thân tình hơn.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment