Wednesday, April 15, 2020

Thứ Năm Tuần Bát Nhật Phục Sinh – Năm A –16-4-2020


Luca 24:35-48

Thu Nam BN PS35Khi ấy, hai môn đệ từ Em-mau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.  36Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!”  37Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.  38Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực?  39Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà!  Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?”  40Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.  41Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?”  42Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng.  43Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.  44Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.”  45Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; 47phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.  48Chính anh em là chứng nhân về những điều này.”

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Buổi tối ngày thứ nhất trong tuần, sau khi gặp Chúa Giêsu lúc bẻ bánh tại miền quê Emmaus, ngay lập tức, hai môn đệ vội vàng quay ngược lại Giê-ru-sa-lem để kể cho các môn đệ khác biết họ đã gặp Chúa Giêsu sống lại như thế nào.  Ngay lúc họ đang kể với các môn đệ khác, trong một căn phòng cửa khép kín vì sợ người Do-thái (Ga 20:19), Chúa Giêsu hiện ra giữa họ, khiến mọi người kinh ngạc, tưởng mình thấy ma.  Đây là một chi tiết khá phổ biến trong các trình thuật phục sinh, Chúa Giêsu hiện ra với nhiều người, khi thì có thân xác, khi thì không có thân xác.  Bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu xuất hiện trong cả hai hình thức.  Điều này cho thấy, sau khi sống lại, Chúa Giêsu không còn phụ thuộc vào không gian và thời gian nữa.  Điều này có nghĩa là Ngài không chết nữa.  Điều này cũng cho thấy sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã dùng mọi cách để đến với mọi người, để an ủi những ai đang sầu khổ, mất phương hướng, và ý nghĩa trong cuộc sống.  Tôi tin Chúa Giêsu đã sống lại và đang hiện diện với tôi trong giờ cầu nguyện này không?  Tôi muốn nói gì với Ngài?  Giống như hai môn đệ đã gặp được Chúa Giêsu lúc bẻ bánh, rồi họ quay ngược hành trình trở về Giê-ru-sa-lem để loan báo tin mừng phục sinh, để an ủi những ai đang mất phương hướng, tôi muốn nói gì với mọi người về Chúa Giêsu đã sống lại, sau giờ cầu nguyện này? 

2.       Lời chào đầu tiên của Chúa Giêsu trong các trình thuật về sự phục sinh của Ngài đó là, “Bình an!”  Hơn bao giờ hết, các môn đệ của Chúa Giêsu đang sống trong sợ hãi, mất phương hướng và bất an, nên lời chào bình an của Chúa Giêsu là cần thiết.  Giáo hội trong suốt hai ngàn năm qua cũng thường xuyên bị bách hại, chính vì thế trong mọi Thánh Lễ, chủ tế luôn lập lại lời chúc này của Chúa Giêsu với cộng đoàn: “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em!"  Đại dịch Covid-19 hôm nay đang làm đảo điên cả thế giới, đang gây biết bao nhiêu cảnh điêu đứng và hoang mang đến mọi người, “bình an” cũng chính là sứ điệp mà Giáo hội, gia đình và tôi cần gởi đến mọi người hôm nay.  Tôi có thể là sứ giả bình an và hòa bình đến cho mọi người xunh quanh tôi, ngay sau giờ cầu nguyện này, trong cả ngày sống của tôi?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Kinh Hòa Bình,” của Phương Anh, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=il8GcmB1Fw0

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment