Luca 24:13-35
13Vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một
làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. 14Họ
trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15Đang
lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với
họ. 16Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người.
17Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì
vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. 18Một trong hai người tên là
Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà
không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” 19Đức
Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa:
“Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là
một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và
toàn dân. 20Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã
nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21Phần
chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc
Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra
đến nay là ngày thứ ba rồi. 22Thật ra, cũng có mấy người đàn
bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23không
thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người
vẫn sống. 24Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy
sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.” 25Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai
ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả!
Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! 26Nào
Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang
của Người sao? 27Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn
sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách
Thánh. 28Khi gần tới làng họ
muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29Họ nài
ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp
tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với
họ. 30Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc
tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra
Người, nhưng Người lại biến mất. 32Họ mới bảo nhau: “Dọc
đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng
ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” 33Ngay
lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn
hữu đang tụ họp tại đó. 34Những người này bảo hai ông: “Chúa
trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.” 35Còn hai
ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế
nào khi Người bẻ bánh.
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên
Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý
cầu nguyện
1. Bài đọc từ Phúc âm Luca hôm nay cho tôi thấy được tình trạng của những người theo Chúa Giêsu, sau khi Ngài bị giết chết trên thập giá. Tất cả đều hoang mang, thất vọng, và sợ hãi. Hoang mang vì họ đã bỏ mọi sự theo Chúa Giêsu, tưởng Ngài sẽ làm vua, cứu dân thoát ách đô hộ của La-mã, ai ngờ giờ đây, Ngài bị giết như một tội nhân, theo cách xử tử của người La-mã! Thất vọng vì bao nhiêu năm đặt niềm trông cậy ở Chúa Giêsu, một người có khả năng làm nhiều phép lạ, chữa bệnh, cho kẻ chết sống lại, và đưa ra cả một Hiến Chương Nước Trời, chỉ dẫn cho mọi người phải sống như thế nào, ai ngờ giờ đây, các kinh sư và Pha-ri-sêu đã bắt giết Ngài vì tội phạm thượng. Sợ hãi vì người ta đã bắt giết Thầy của họ, số mạng của họ người ta cũng sẽ không tha; bởi thế, ai nấy ở trong nhà đóng cửa kín, một số tản mát trốn về quê, như hai môn đệ trong bài đọc hôm nay--chỉ có hai người đi với nhau, không còn nhóm đi với nhau, trong bộ mặt buồn sầu thiểu não, đầy thất vọng. Bất chợt Chúa Giêsu xuất hiện, giải thích cho họ hiểu Kinh Thánh nói về Ngài, để trấn an họ. Ấy thế, họ vẫn không nhận ra Chúa Giêsu. Trong giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn đi vào trong những gì đang xảy ra trong thế giới và quanh tôi, giữa đại dịch cúm covid-19 này. Cả thế giới này có đang hoang mang, thất vọng, và sợ hãi, nhốt mình trong nhà như các môn đệ 2000 năm trước không? Cái gì đang khiến tôi và thế giới không nhận ra Chúa trong lúc này? Tôi muốn nói gì với Chúa trong giây phút này?
2. Toàn cảnh của bài đọc hôm nay xảy ra vào chiều ngày thứ nhất trong tuần. Các bài đọc của mấy ngày qua cũng nói về ngày thứ nhất trong tuần. Như vậy trong “Ngày Thứ Nhất” này đã có nhiều chuyện xảy ra do Chúa Giêsu Phục Sinh làm. Ngài xuất hiện cùng ngày ở nhiều nơi và với nhiều người, dẫn đến nhiều điều tích cực, như để nói về một trật tự mới, một sức sống mới sau cảnh chết chóc tang thương và đầy sợ hãi, hận thù. Chúa Giêsu sống lại đã đảo ngược tình thế, vực dậy mọi đổ nát hoang tàn trong tâm hồn mọi người. Toàn bài đọc hôm nay như nói về cấu trúc của một Thánh Lễ năm xưa, cũng có Phụng vụ Lời Chúa (Giải thích Kinh Thánh) và Phụng vụ Thánh Thể (Nghi thức bẻ bánh). Ở Phụng vụ Lời Chúa, các môn đệ còn mù lòa chưa nhận ra Chúa Giêsu, nhưng đến khi họ chứng kiến Chúa Giêsu bẻ bánh, lúc ấy họ đã nhận ra Ngài. Giống như Maria Mác-đa-la, sau khi họ nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh, họ hết buồn sầu, hết sợ hãi, như tìm được phương hướng, vội vàng trở lại Giê-ru-sa-lem tìm gặp các môn đệ khác, trong tâm trạng khấp khởi mừng. Cũng như hai môn đệ năm xưa tham dự Thánh lễ chỉ có hai người trong nhà với tâm trạng sợ hãi và mất định hướng, cả Giáo hội hôm nay cũng đang dâng lễ trong bầu khí sợ hãi và hoang mang, trong một căn phòng nhỏ, chỉ một vài người tham dự. Tôi và mọi người ngày nay có nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh trong Thánh lễ trực tuyến không? Nếu có, tôi đang sống vui hay sống sợ, sống buồn hay sống hy vọng, sống khép kín hay sống mở ra với mọi người, sống ích kỷ hay sống nhân ái? Tùy cách sống của tôi sẽ nói lên tôi có đang gặp được Chúa Giêsu Phục Sinh giữa lòng đại dịch này hay không. Nên nhớ, hành động tiêu biểu của Chúa Giêsu Phục Sinh là đi an ủi và vực dậy niềm hy vọng nơi mọi người. Tôi sẽ làm gì sau giờ cầu nguyện này? Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Trên Đường Emmaus,” do Lm Thành Tâm, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=vez7V1wBJOM
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment