Gioan 20:11-18
11Khi ấy, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi
xuống nhìn vào trong mộ, 12thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng
ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía
chân.
13Thiên thần hỏi bà: “Này
bà, sao bà khóc?” Bà
thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không
biết họ để Người ở đâu!” 14Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là
Đức Giê-su. 15Đức Giê-su nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để
Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” 16Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri:
“Ráp-bu-ni!” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’). 17Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi
gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em,
lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.” 18Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ:
“Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.
(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên
Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý
cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay nối tiếp câu chuyện Maria Mác-đa-la ra mộ từ tờ mờ sáng vào
ngày thứ nhất trong tuần. Sau khi không
thấy xác Chúa Giêsu trong mồ nữa, bà đã đứng ở ngoài, gần cửa mộ, mà khóc. Bất chợt, bà thấy hai thiên thần ở trong mộ, rồi
bà cũng gặp Chúa Giêsu hiện ra với bà ở ngoài mộ, nhưng bà lại tưởng Ngài là
người làm vườn. Cả ba vị này đều hỏi bà
cùng một câu hỏi: “Này bà, sao bà khóc?” Thầy Giêsu chết nhục nhã đã là một đau khổ
tột cùng đối với bà, bây giờ xác của Thầy cũng chẳng còn thì thật là nát tan
cõi lòng. Bởi thế, câu hỏi của ba vị như
để an ủi bà. Câu trả lời của bà với Chúa
Giêsu mới thú vị làm sao: “Thưa ông, nếu
ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem
Người về.” Làm sao bà có thể đem xác
Chúa Giêsu về được? Chẳng lẽ bà sẽ cõng
xác Chúa một mình sao? Hay bà sẽ chạy đi
gọi thêm người phụ giúp bà đem xác Chúa về?
Dầu sao đi nữa, câu trả lời của bà nói lên một sự gắn bó yêu thương rất
lớn giữa bà và Chúa Giêsu. Thấy thế,
Chúa Giêsu cất tiếng gọi, “Maria!” Bất
chợt, bà nhận ra cách gọi đó, giọng điệu đó, chính là Thầy Giêsu mà bà rất yêu
mến. Khi yêu ai, người ta thường có cách
gọi nhau và giọng điệu khác thường, mà người ngoài không thể nhận ra. Người ta trở nên rất nhạy bén trong từng tiếng
gọi, giọng nói thể hiện sự quan tâm cho nhau, ngay cả người ta cũng nhận ra tâm
trạng trong cách ăn mặc của nhau. Tôi
muốn nhìn vào tương quan giữa bà Maria và Chúa Giêsu, và tôi nhìn vào tương
quan giữa Chúa Giêsu và tôi. Tình yêu
giữa Chúa Giêsu và tôi như thế nào? Tình
thật hay tình hờ? Có nồng nàn, khắng
khít, thân mật, hay lạnh lùng, thờ ơ, dửng dưng? Tôi nói sao với Chúa Giêsu trong lúc này?
2. Bài đọc hôm nay kết thúc bằng hình ảnh Maria vui hẳn lên, trái nghịch với
tâm trạng thất vọng và khóc lóc ở đầu bài đọc, bà chạy đi loan báo cho mọi
người: “Tôi đã thấy Chúa!” Bà đã trở thành nhà loan truyền tin mừng phục
sinh đầu tiên trong lịch sử Giáo hội.
Tôi có thể thấy hai điều trong việc loan tin mừng phục sinh của Maria:
Thứ nhất, niềm vui tuôn trào nơi cửa miệng của Maria, một cách tự nhiên. Điều này cũng rất thật trong đời sống đó là, bất
cứ ai, một khi đã đón nhận một tin vui đích thực và lớn lao nào, không có cách gì
có thể ngăn cản họ không nói ra. Tin vui
ấy cứ trào ra khỏi lòng và nơi cửa miệng của họ, không cưỡng lại được. Thứ hai, việc loan báo tin mừng phục sinh
không phải là những gì cao siêu, nhưng bằng những gì cảm nghiệm được từ
Chúa. Chúa đã cho tôi cái gì và được bao
nhiêu, tôi chia sẻ bấy nhiêu. Đây cũng
là điều thường thấy trong toàn bộ các phúc âm.
Sau khi Chúa Giêsu chữa lành cho ai, người ta muốn theo Ngài, nhưng Ngài
thường nói không. Ngài thường bảo họ hãy
về nói với mọi người tất cả những gì Chúa đã làm cho họ. Đây là điều căn bản nhất và quan trọng nhất
của một nhà truyền giáo: Chỉ nói cho mọi người những gì Chúa đã làm cho mình. Tôi không bao giờ phao tin vịt, nhưng chỉ những
gì chính tôi đã kinh nghiệm thật sự về Chúa.
Tôi đã theo Chúa bao nhiêu năm, có một kinh nghiệm thân thương nào giữa
tôi với Chúa mà tôi muốn chia sẻ với mọi người xung quanh không? Kinh nghiệm ấy đã biến đổi cuộc đời tôi như
thế nào? Mọi người cảm thấy thế nào về niềm
vui về Chúa mà tôi đã chia sẻ với họ? Họ
có được biến đổi và được vui lây không?
Phạm Đức Hanh, SJ
0 comments:
Post a Comment