Ga 3:1-8
1Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của
người Do-thái. 2Ông đến gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông
nói với Người: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn
sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở
cùng người ấy.” 3Đức Giê-su trả lời: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có
thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn
trên.”
4Ông Ni-cô-đê-mô thưa: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có
thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?” 5Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật ông:
không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần
Khí.
6Cái bởi xác thịt sinh ra là
xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. 7Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông
cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. 8Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng
gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà
sinh ra thì cũng vậy.”
(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên
Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý
cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay nói đến Ni-cô-đê-mô, một nhân vật rất đáng chú ý trong Phúc
âm Gioan. Ông là người của nhóm Pha-ri-sêu,
một nhóm chuyên chống đối và cuối cùng đã tìm cách giết Chúa Giêsu. Tuy vậy, ông rất ngưỡng mộ Chúa Giêsu và đã
bị Ngài thu phục. Ông xuất hiện ba lần
trong Phúc âm Gioan: Lần thứ nhất, ông lén lút đồng nghiệp đến gặp Chúa Giêsu
vào ban đêm, như trong bài đọc hôm nay (Ga 3:1-8); lần thứ hai, ông công khai
bảo vệ Chúa Giêsu trước các đồng nghiệp đang đằng đằng sát khí đòi bắt giết Chúa
Giêsu (Ga 7:50-51), và lần thứ ba, ông đã đem theo chừng một trăm cân mộc dược
và trầm hương, công khai đến bên thập giá để tẩm liệm xác Chúa Giêsu (Ga 19:39-42). Tôi có thể thấy, Ni-cô-đê-mô đã bị Chúa Giêsu
cảm hóa dần dần. Nói theo ngôn ngữ của Phúc
âm Gioan, Ni-cô-đê-mô đã đi từ trong bóng tối đến ánh sáng, đã được tái sinh
bởi nước và Thánh Thần. Ông đi từ ngưỡng
mộ đến yêu mến, và rồi quy phục Chúa Giêsu.
Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi có thể chiêm ngắm Ni-cô-đê-mô, chiêm ngắm
hành trình biến đổi nội tâm của ông. Hành
trình đức tin của tôi có giống của Ni-cô-đê-mô không? Tôi đã được cảm hóa và bị Chúa Giêsu chiếm
đoạt như thế nào? Tôi yêu mến Chúa Giêsu
đến mức nào, dám tự hào sống và chết cho tương quan giữa tôi với Chúa Giêsu đến
mức nào?
2. Cuộc đàm đạo trong
đêm tối giữa Ni-cô-đê-mô và Chúa Giêsu rất đáng chú ý. Chúa Giêsu nói với Ni-cô-đê-mô rằng, ông ta phải
tái sinh trong nước và Thánh Thần thì mới được vào Nước Thiên Chúa. Điều ấy có nghĩa là ông phải trở về với những
gì là cội rễ và nền tảng nhất của đời sống, trở về với Đấng Vô Hình phát sinh
và đang hoạt động trong những gì là hữu hình.
Chính Đấng Vô Hình ấy, Thiên Chúa là nơi ông cần phải kết thân, phải có
một tương quan với Ngài, chứ không phải là những gì ông đang tự hào là một Pha-ri-sêu,
một người thông thạo luật pháp và lễ nghi, một người nghiêm ngặt luật lệ đến tỉ
mỉ, tôn sùng luật lệ như ngẫu tượng. Luật
lệ và lễ nghi là những điều tốt, cần tuân giữ, điều này không sai, nhưng chúng chỉ
là phương tiện giúp tôi đến với Thiên Chúa, chứ chúng không phải là Thiên Chúa. Chúng chỉ là những bóng mát trên đường vào
những ngày nắng gắt, chứ không phải là điểm đến. Tôi có thể ngồi nghỉ một lát dưới những bóng mát
đó, nhưng rồi phải đứng lên đi tiếp, chứ cứ ngồi mãi dưới những bóng mát đó tôi
sẽ không bao giờ đến được Nước Trời. Nói
theo ngôn ngữ nhà Phật, luật lệ và lễ nghi chỉ là ngón tay chỉ Mặt Trăng, chứ
ngón tay không phải là Mặt Trăng. Trong
trầm lắng của giờ cầu nguyện này, tôi muốn xem đâu là những bóng mát trong hành
trình đức tin của tôi? Tôi đã ngồi dưới
những bóng mát đó bao lâu rồi? Tôi còn
tiếp tục hành trình đức tin của tôi nữa không, hay đã chọn bóng mát nào đó làm “quê
hương” rồi? Tôi cần những năng lực nào
để giúp tôi tiếp tục hành trình về Nước Trời?
Tôi có thể nói chuyện với Chúa Giêsu hoặc Ni-cô-đê-mô trong giây phút
này để xin một nâng đỡ, một hướng dẫn cho hành trình tiến về Nước Trời của tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment