Monday, July 2, 2018

Thứ Ba Tuần XIII Thường Niên – Năm B - II – 3-7-2018 – Lễ Thánh Tô-ma Tông Đồ


Thu Ba XIII TN
Gioan 20:24-29
24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến.25 Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin."26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em."27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin."28 Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!"29 Đức Giê-su bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!"    
(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Một điểm rất đẹp trong trình thuật trên của Phúc âm Gioan đó là sự đòi hỏi của Tô-ma, đức tin cần phải được kinh nghiệm cá nhân với Chúa Kitô.  Ngày nào tôi còn giữ đạo vì bố mẹ đã rửa tội cho tôi, vì lấy vợ lấy chồng, ngày ấy tôi chưa thực sự có đức tin hoặc đức tin ấy chưa thực sự bén rễ trong Chúa Kitô.  Giây phút của giờ cầu nguyện mỗi ngày là những giây phút có thể giúp tôi kết thân và bén rễ trong Chúa Kitô.  Tôi ngồi đây tâm sự với Chúa Kitô, kể cho Ngài nghe những băn khoăn, những ưu tư, những phiền muộn, những niềm vui và ước mơ đang trào dâng trong tôi.  Tôi để ý xem Ngài chia sẻ tâm tư của Ngài với tôi như thế nào.
2.      Chúa Giêsu đã gặp Tô-ma và mời gọi ông đụng chạm đến vết thương của Ngài.  Chính nhờ vậy ông đã tin và có thể gọi Chúa Kitô là Thiên Chúa của ông, và mặc dù ông đã ăn uống theo Ngài từng bước, dù đã bị kết án chết treo trên thập giá, nhưng nay vẫn sống trước mắt ông.  Giờ cầu nguyện mỗi ngày của tôi không chỉ là những lời nói trên môi mà còn là cả con người của tôi đụng chạm vào mầu nhiệm khổ giá của Chúa Kitô để cảm nghiệm sự phục sinh của Ngài.  Trong lúc này, tôi muốn mân mê bàn tay của Chúa, cảm nghiệm vết đinh nơi tay Ngài.  Ước gì sau giờ cầu nguyện tôi có thể thốt thành lời: “Lạy Chúa tôi!  Lạy Thiên Chúa của tôi!”
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment