Tuesday, May 1, 2018

Thứ Tư Tuần V Phục Sinh – Năm B - II – 2-5-2018


Thu Tu V PS
Tông Đồ Công Vụ 15:1-4
1Có những người từ miền Giu-đê đến dạy anh em rằng: "Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Mô-sê, thì anh em không thể được cứu độ."2 Ông Phao-lô và ông Ba-na-ba chống đối và tranh luận khá gay go với họ. Người ta bèn quyết định cử ông Phao-lô, ông Ba-na-ba và một vài người khác lên Giê-ru-sa-lem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận này.3 Các ông được Hội Thánh tiễn đưa. Khi đi qua miền Phê-ni-xi và miền Sa-ma-ri, các ông tường thuật việc các dân ngoại đã trở lại với Thiên Chúa, khiến tất cả các anh em rất đỗi vui mừng.4 Tới Giê-ru-sa-lem, các ông được Hội Thánh, các Tông Đồ và kỳ mục tiếp đón, và các ông kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với các ông.
(Trích Tông Đồ Công Vụ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Có một điều rất thường thấy ở nơi mỗi con người và mỗi cộng đoàn đó là, không muốn thay đổi, chỉ vì bám víu, vì sợ sự mới lạ, bởi thường thì ai cũng thích và cảm thấy rất thoải mái trong những gì quen thuộc.  Chính vì thế mỗi khi có cái gì mới tôi thường chê, chùi dập ngay, không cần biết tốt xấu thế nào.  Chuyện này cũng xảy ra trong niềm tin Kitô giáo từ những thế kỷ đầu giữa có nên cắt bì hay không cắt bì, và đang còn xảy ra trong mỗi người, gia đình và cộng đoàn Kitô hữu ngày nay như, dâng lễ tiếng La-tinh hay tiếng bản xứ, lần hạt Mân-côi hay cầu nguyện với Thánh Kinh, rước lễ bằng lưỡi hay rước lễ bằng tay… Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn xem lại đâu là những điều tôi cần phải thay đổi để làm cho đời sống đức tin của tôi luôn tươi mới, đầy sức sống và vươn ra với mọi người hơn.  Tôi đọc lại bài đọc trên để có được lòng nhiệt thành và cởi mở, biết đọc những dấu chỉ của thời đại như Phao-lô và Ba-na-ba.
2.     Điểm rất đẹp trong bài đọc hôm nay đó là, các tông đồ đã nhận ra giá trị của sức sống Tin Mừng, cần phải đổi mới để Tin Mừng được đón nhận nhiều hơn, và họ tranh đấu quyết liệt cho những gì đang thôi thúc trong lòng họ.  Họ sẵn sàng lên Giê-ru-sa-lem để gặp lãnh đạo cao nhất của Giáo hội cho những gì họ đang thao thức.  Giờ cầu nguyện này tôi cũng muốn lắng nghe những gì đang thôi thúc trong tôi tựa như một nguồn nước trong lành đang trào dâng trong tôi, tôi muốn mở ra để cho sự sống, tình yêu thương được tuôn trào đến mọi người và mọi nơi mà tôi tiếp xúc trong mọi ngày sống của tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment