Gia-cô-bê 5:13-18
13Ai trong anh em đau khổ ư? Người ấy hãy cầu nguyện.
Ai vui vẻ chăng? Người ấy hãy hát thánh ca.14 Ai trong anh em
đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho
người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa.15 Lời cầu nguyện do
lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã
phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha.16 Anh em hãy thú tội với
nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của
người công chính rất có hiệu lực.17 Ông Ê-li-a xưa cũng là
người cùng chung một thân phận như chúng ta; ông đã tha thiết cầu xin cho đừng
có mưa, thì đã không có mưa xuống trên mặt đất suốt ba năm sáu tháng.18 Rồi
ông lại cầu xin, thì trời liền mưa xuống và đất đã trổ sinh hoa trái.
(Trích Thư Gia-cô-bê bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ
từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1. Những lời của Gia-cô-bê hôm nay
thật cần thiết cho đời sống cộng đoàn, trong đó mọi người liên đới với nhau
trong mọi lúc, vui cũng như buồn. Tôi
muốn bắt chước những gì Gia-cô-bê nói trong bài đọc hôm nay để mọi giờ cầu
nguyện của tôi không chỉ là cho riêng tôi, nhưng mỗi khi cầu nguyện tôi mang cả
cộng đoàn, cả thế giới vào trong giờ cầu nguyện của tôi. Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn liên đới
đến những người đang đau khổ, bệnh tật và lỗi lầm xung quanh tôi. Tôi muốn kể cho Chúa nghe những khó khăn của
họ và nhắn gởi họ trong tình thương của Chúa, xin Ngài an ủi và chữa lành cho
họ.
2. Gia-cô-bê nói: “Lời cầu xin tha
thiết của người công chính rất có hiệu lực.”
Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn tự hỏi: Tôi có phải là người công
chính không? Nếu không, tôi cần làm gì
để trở nên công chính hơn? Tôi có cầu
nguyện tha thiết không? Nếu không, phải
chăng tôi chưa tin đủ? Tôi muốn xin Chúa
củng cố niềm tin của tôi, mở rộng con tin của tôi để tôi có thể đầy tin tưởng
và tha thiết trong cầu nguyện. Tôi chọn
một ai đó đang thật sự cần lời cầu nguyện của tôi trong lúc này, và tôi muốn
cầu nguyện cho người đó một cách tha thiết.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment