Saturday, May 12, 2018

Chúa Nhật Tuần VII Phục Sinh – Năm B - II – 13-5-2018


Chua Nhat VII PS
Gioan 17:11-19
11 Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha.12 Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh.13 Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con.14 Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian.15 Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.16 Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian.17 Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.18Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.19 Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.
(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Tôi chẳng cần gì nên tôi chẳng cần cầu nguyện ư?  Cầu nguyện là đi vào trong tương quan với Chúa, chứ không phải xin xỏ, bởi thế không cần gì vẫn có lý do để cầu nguyện hầu xây đắp một mối tâm giao với Chúa.  Tôi không biết cầu nguyện hay chẳng biết nói gì ư?  Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay đang cầu nguyện thay cho tôi, vì thế không phải làm gì, chỉ cần ngồi yên, lắng nghe Chúa Giêsu đang kể với Chúa Cha về tôi như thế nào, Ngài đang lo lắng cho rôi ra sao.
2.      Hóa ra Chúa Giêsu rất hiểu tôi đang khó khăn như thế nào khi sống giữa cuộc đời này, và Ngài tìm mọi cách để bảo vệ tôi, Ngài xin Chúa Cha bảo vệ tôi nữa.  Như vậy bao nhiêu đau khổ trong đời đâu phải là do Chúa gởi đến, như bao nhiêu người vẫn nói với tôi?  Đúng ra Chúa đang tìm đủ mọi cách để bảo vệ tôi khỏi mọi đau khổ.  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này về tình thương Ngài luôn đùm bọc cho tôi cả sau lẫn trước? 
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment