Sunday, July 31, 2022

Thứ Hai Tuần XVIII Thường Niên – Năm C –1-8-2022 – Lễ Thánh Alphosus Ligouri

Thu Hai XVIII TN 

Mát-thêu 5:13-16

13Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Chính anh em là muối cho đời.  Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại?  Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. 14 Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.  Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. 15 Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. 16 Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay bao gồm hai ý chính.  Chúa Giêsu mời gọi tôi hãy sống chức năng ngôn sứ, đó là trở nên muối ướp đời và là ánh sáng cho trần gian.  Chúa Giêsu dùng những hình ảnh thật gần gũi, nhưng cũng rất quan trọng trong đời sống thường nhật của mọi người.  Bởi, có ai sống mà không cần muối đâu?  Muối là một gia vị cần thiết không chỉ giữ cho thức ăn không bị ươn thối mà còn gia tăng hương vị cho thức ăn.  Cũng vậy, ánh sáng thật gần gũi và cần thiết trong cuộc sống mỗi ngày của mọi người.  Trừ phi tôi mù, nếu không, không một ngày nào mà tôi không phải lệ thuộc vào ánh sáng.  Ánh sáng giúp tôi nhìn rõ sự vật, nhìn rõ con người, ánh sáng còn giúp tôi tránh được những chướng ngại vật có thể làm tôi vấp té.  Ánh sáng còn giúp tôi nhận ra những vẻ đẹp quanh tôi nơi người cũng như sự vật.

2.     Giờ cầu nguyện hôm nay có thể là lúc tôi xem lại muối và ánh sáng trong tôi.  Tôi đã sống chức năng ngôn sứ là muối ướp đời như thế nào?  Thế giới quanh tôi có nhờ sự hiện diện của tôi mà được tươi ngon, hay vẫn thối rữa, tanh hôi?  Không chừng mà muối của tôi đã nhạt rồi và không chừng mà cuộc đời tôi tệ đến mức chỉ quăng ra đường cho người ta chà đạp.  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu về chức năng muối trong tôi.  Tôi đã sống chức năng ngôn sứ làm ánh sáng cho cuộc đời như thế nào?  Mọi người có vì tôi mà nhận ra muôn mầu muôn sắc của cuộc sống do Chúa dựng nên quanh họ, hay họ vẫn bi quan, vẫn đi trong tăm tối một cách mù lòa, không một ánh sáng dẫn đường, kể cả ánh sáng từ tôi cũng chẳng có?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu hoặc ngồi bên Ngài lúc này để tiếp nhận ánh sáng đích thực từ Ngài.  Tôi để ý Chúa sẽ sai tôi đi đâu và đến với những ai đang thật sự cần muối ướp và ánh sáng soi đường hôm nay?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, July 30, 2022

Chúa Nhật Tuần XVIII Thường Niên – Năm C –31-7-2022 – Lễ Thánh Inhaxio Loyola

CN XVIII TN 

Giảng Viên 1:2; 2:21-23

1/2Ông Cô-he-lét nói: “Phù vân, quả là phù vân.  Phù vân, quả là phù vân.  Tất cả chỉ là phù vân.

2/21“Quả thế, có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết.  Điều ấy cũng chỉ là phù vân và lại là đại hoạ. 22 Chuyện gì xảy ra cho con người sau bao mối bận tâm và bao gian lao vất vả nó phải chịu dưới ánh mặt trời? 23 Phải, đối với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền!  Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí.  Điều ấy cũng chỉ là phù vân!”

(Trích Sách Giảng Viên, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay mở đầu bằng một câu, mà bất cứ ai dù không rành Thánh Kinh, dù không phải là Kitô hữu cũng nhớ hoặc có lần nói về cái thiên biến vạn biến ấy của cuộc đời, như: “Đời là vô thường!”; hoặc, như Sách Giảng Viên nói: Phù vân, quả là phù vân.  Phù vân, quả là phù vân.  Tất cả chỉ là phù vân.”  Câu nói này đang nói gì với tôi?  Câu này có giải thoát tôi, giúp tôi buông bỏ tất cả những gì đang làm tôi đau khổ và bận lòng đến mất ăn mất ngủ bao lâu nay?  Danh hài nổi tiếng trong kỷ nguyên phim câm, một trong những nhân vật quan trọng nhất của ngành công nghiệp điện ảnh, đồng thời cũng là nhà soạn nhạc người Anh, Charlie Chaplin (1889-1977), cũng nói trong một nghĩa tương tự như lời mở đầu của Sách Giảng Viên: “Chẳng có gì là vĩnh viễn trong thế giới khốn nạn này, ngay cả những khó khăn của chúng ta – Nothing is permanent in this wicked world, not even our troubles.  Và một ai đó đã nói: “Cuộc đời ví như một quyển sách.  Có những chương thật buồn, lại có những chương rất hay và vui nhộn.  Nhưng nếu bạn chẳng bao giờ lật qua trang mới, bạn sẽ không bao giờ biết được chương kế như thế nào – Life is like a book, some chapters sad, some happy and some exciting.  But if you never turn the page, you will never know what the next chapter holds.”  Tôi dành giây phút này để đối diện, nói chuyện với Thiên Chúa, Đấng Bất Biến, về những đau khổ và bận tâm của tôi vì những thiên biến vạn biến trong cuộc đời.   

2.     Bài đọc hôm nay nghe có vẻ bi quan, nhưng nói lên những cái rất thực của cuộc đời.  Bài đọc không có ý dập dìu tôi trong kiểu sống bất cần đời, bất cần ai, bất kể ngày mai, nhưng dạy tôi biết khôn ngoan làm chủ đời của mình, biết khi nào nắm giữ và khi nào cần buông bỏ để được bình an, hạnh phúc.  ĐGH Phanxico mời gọi tôi hãy sống tích cực như căn tính Kito của tôi, ngài nói: “Than thở và bi quan không phải là thái độ của Kitô hữu.  Chúng ta không sinh ra để cúi mặt xuống đất, nhưng để ngước mắt lên trời—Pessimism and complaining are not Christian.  We were not made to be downcast, but to look up to heaven.  Tôi đọc lại bài đọc hôm nay nhiều lần để tìm sức mạnh dám buông bỏ những gì và nắm giữ những gì đem lại hạnh phúc, tự do và bình an trong Chúa.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Phù Vân”, của Xuân Đường, do Hiền Thục thực hiện, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=1cD9qTTKfe8

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, July 29, 2022

Thứ Bảy Tuần XVII Thường Niên – Năm C –30-7-2022

Thu Bay XVII TN 

Mát-thêu 14:1-12

1Khi ấy, tiểu vương Hê-rô-đê nghe danh tiếng Đức Giê-su, 2 thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Đó chính là ông Gio-an Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ.” 3Số là vua Hê-rô-đê đã bắt ông Gio-an, xiềng ông lại, và tống ngục vì chuyện bà Hê-rô-đi-a, vợ ông Phi-líp-phê, anh của nhà vua. 4 Ông Gio-an có nói với vua: “Ngài không được phép lấy bà ấy.” 5 Vua muốn giết ông Gio-an, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ. 6 Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hê-rô-đê, con gái bà Hê-rô-đi-a đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. 7 Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. 8 Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả đặt trên mâm.” 9 Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. 10 Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gio-an. 11 Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ. 12 Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem đi mai táng, rồi đi báo cho Đức Giê-su.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Mở đầu bài đọc hôm nay, tôi đã có thể bắt gặp ngay nỗi sợ của Vua Hê-rô-đê.  Quyền lực đến thế, vậy mà Hê-rô-đê vẫn sợ.  Sau khi giết Gioan, ông lại gặp một người khác còn nổi tiếng hơn cả Gioan, đó là Chúa Giêsu.  Nỗi sợ về người mà chính ông đã ra lệnh giết, khiến ông lầm tưởng Chúa Giêsu như thể oan hồn Gioan trở về ám ảnh ông.  Hóa ra, ở đời đâu phải cứ có quyền, cứ làm vua thì làm gì cũng được, kể cả sai trái, mà lại là sai trái dám giết người công chính!  Vì thế, dù là vua và vì Gioan đã chết, Hê-rô-đe vẫn không được bình an.  Nỗi sợ đã ám ảnh ông ngày đêm.  Có nỗi sợ nào cứ đeo bám tôi bao nhiêu năm không, dù chuyện tôi làm đã rất lâu và rất kín đáo đến chẳng ai biết?  Tôi đã tìm Chúa để được giải thoát khỏi nỗi sợ này chưa?  Tôi muốn ngồi bên Chúa Giêsu trong lúc này, trút hết tâm sự cho Ngài.

2.   Gioan đã bị bỏ tù và cuối cùng bị giết, một cách oan uổng.  Ông bị giết vì đã dám lên án, chỉ trích những sai trái của nhà vua.  Đó là chức năng và số phận của một ngôn sứ.  Chức năng ngôn sứ ở thời đại nào và văn hóa nào cũng giống nhau, đó là yêu lẽ thật, làm chứng cho lẽ thật, đó là dám đứng lên chống lại mọi thế lực bất công và bóc lột.  Tôi muốn đọc lại bài đọc trên và lấy hình ảnh Gioan Tẩy Giả để soi gương cho đời sống ơn gọi làm ngôn sứ của tôi hôm nay.  Chúa đang mời gọi tôi như thế nào trong một xã hội đầy bất công quanh tôi?  Tôi xin Chúa cho tôi can đảm dám nói và cũng dám làm.

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Thursday, July 28, 2022

Thứ Sáu Tuần XVII Thường Niên – Năm C –29-7-2022 – Lễ Các Thánh Mác-ta, Maria và La-da-rô

Thu Sau XVII TN

Gioan 11:19-27

19Khi ấy, nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô là La-da-rô mới qua đời. 20 Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. 21 Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. 22 Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.” 23 Đức Giê-su nói: “Em chị sẽ sống lại!” 24 Cô Mác-ta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” 25 Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.  Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. 26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.  Chị có tin thế không?” 27 Cô Mác-ta đáp: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay ghi nhận một biến cố rất quan trọng, đụng chạm đến đời sống của mọi người trên trái đất: sự sống.  Chúa Giêsu là bạn thân với gia đình Mác-ta, Maria và La-da-rô.  Khi nghe tin La-da-rô chết, Chúa Giêsu đến an ủi hai chị em.  Trong mẩu đối thoại ngắn ngủi đầy nước mắt của hai chị em khiến Chúa Giêsu cũng rơi lệ ấy, họ đã đề cập đến một điều rất quan trọng, đó là: ước gì em của họ không chết.  Chúa Giêsu đã trấn an họ, rằng: hãy tin thì em của họ sẽ sống.  Trong mẩu đối thoại của họ đã nêu lên hai điều rất quan trọng có tính nền tảng và mục đích tối hậu làm cho người ta sống mãi mãi, đó là: 1) Tình yêu.  Tình yêu có sức mạnh làm cho người ta sống mãi.  Bởi khi yêu ai, mình không muốn người đó chết và dù người đó không còn hiện diện hữu hình bên mình, nhưng người đó không bao giờ chết trong lòng của mình.  Văn hóa Việt Nam thể hiện rõ điều này qua sự hiếu thảo trong gia đình.  2) Niềm tin.  Trong niềm tin vào Thiên Chúa, người ta sẽ không bao giờ chết.  Chúa Giêsu khẳng định điều này, và quả thực La-da-rô đã được Ngài cho sống lại.  Văn hóa Kitô giáo hai ngàn năm qua đã tuyên xưng điều này.  Tôi yêu và tôi tin như thế nào?  Tình yêu và niềm tin của tôi đã vực tôi ra khỏi giường mỗi ngày như thế nào?  Đã giúp tôi đi qua mỗi ngày ra sao?  Đã giúp tôi sống như một con người như thế nào hay tôi vẫn cứ như một con vật? 

2.     Không ai phủ nhận, cơm bánh là điều tối cần thiết trong cuộc sống.  Chính vì miếng cơm manh áo mà người ta vất vả bôn ba trăm đường; nhiều khi, phải đánh đổi tất cả để chỉ có được miếng cơm manh áo trong ngày.  Tuy nhiên, đằng sau miếng cơm manh áo còn có những cái quan trọng hơn rất nhiều, đó là: tình yêu, niềm tin và hy vọng.  Chẳng ai đã tự sinh ra, nhưng đều được sinh ra.  Vậy, mục đích cuộc đời tôi là gì?  Chết rồi tôi đi đâu?  Chẳng lẽ, tôi chỉ được sinh ra trong cuộc đời này mấy chục năm; trong mấy chục năm đó là tranh giành nhau từng miếng ăn, lập gia đình, sinh con cái, lam lũ vất vả, đau ốm bệnh tật, rồi chết sao?  Chính niềm tin giúp cho tôi nhìn ra ý nghĩa tối hậu của cuộc đời.  Ý nghĩa tối hậu là tôi được Thiên Chúa sinh ra, tôi thuộc về Thiên Chúa, và tôi trở về cùng Thiên Chúa.  Chính cuộc sống có Thiên Chúa mà tôi thấy cuộc sống này nhân bản hơn, yêu thương hơn.  Nếu không có Thiên Chúa, dân gian gọi là Ông Trời, cuộc đời này thật vô nghĩa, lãng xẹc và ai ai cũng sống như con vật, chẳng cần đạo đức, chẳng cần yêu thương, cứ sống ích kỷ, theo kiểu mạnh được yếu thua.  Cứ nhìn vào chủ thuyết Cộng sản vô thần, tôi thấy rất rõ điều này.  Cứ nhìn vào những lúc tôi sống xa Chúa, tôi sẽ thấy rõ điều này.  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này?  Tôi sẽ sống như thế nào hôm nay để thể hiện tôi là con người, là con người đầy yêu thương, là con người có niềm tin, có mục đích tối hậu trong Thiên Chúa?    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, July 27, 2022

Thứ Năm Tuần XVII Thường Niên – Năm C –28-7-2022

 Thu Nam XVII TN

Mát-thêu 13:47-50 

47Khi ấy, Đức Giê-su kể cho dân chúng nghe dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. 48 Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. 49 Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy.  Các thiên sứ sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, 50 rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Nếu như bài đọc hôm qua Chúa Giêsu đề cập đến hai dụ ngôn về Nước Trời, mời gọi tôi hãy xem đức tin là một vấn đề nghiêm túc và quan trọng nhất đến nỗi, tôi dám đánh đổi tất cả để có được Nước Trời.  Bài đọc hôm nay lại là một dụ ngôn khác nữa về Nước Trời, qua đó mời gọi tôi phải chuẩn bị và sẵn sàng luôn bởi, như chiếc lưới bất thình lình được thả xuống biển thế nào, Nước Trời xuất hiện cũng bất ngờ như vậy.  Giờ cầu nguyện hôm nay là một cơ hội giúp tôi suy nghĩ, nhìn lại đời sống xem, đâu là điều cần phải thay đổi để tôi có thể tự hào và sẵn sàng bất cứ khi nào Nước Trời đến.  Tôi có thể nói chuyện với Chúa Giêsu và xin cho được ánh sáng từ Chúa giúp tôi nhìn rõ con người của tôi hơn và can đảm dám đối diện và giải quyết mọi vấn đề. 

2.     Tôi hiểu thế nào về dụ ngôn trên của Chúa Giêsu?  Dụ ngôn ấy có để lại ấn tượng nào trong tôi, làm tôi vui mừng và tự tin chờ đợi Nước Trời đến, hay làm cho tôi sợ hãi và chẳng mong đợi Nước Trời đến?  Tôi có việc làm gì cụ thể, thái độ sống cụ thể và lối sống cụ thể như thế nào để tôi có thể đón chào Nước Trời đến với tôi bất cứ khi nào?    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, July 26, 2022

Thứ Tư Tuần XVII Thường Niên – Năm C –27-7-2022

Thu Tu XVII TN

Mát-thêu 13:44-46      

44Khi ấy, Đức Giê-su kể cho dân chúng nghe dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng.  Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. 45 Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. 46 Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Nếu nói, cùng đích hành trình đức tin của tôi là có được Nước Trời, bài đọc hôm nay là những dụ ngôn rất ngắn về Nước Trời, nhưng là những dụ ngôn rất quan trọng khiến tôi cần phải đặt lại vấn đề niềm tin của tôi.  Những dụ ngôn Chúa Giêsu kể trong bài đọc hôm nay cho tôi thấy niềm tin là một vấn đề nghiêm túc và rất quan trọng.  Nghiêm túc và quan trọng đến mức tôi phải suy tính cho kỹ, dám đánh đổi tất cả để có được Nước Trời.  Đối với tôi, Nước Trời là gì?  Nước Trời quan trọng như thế nào đối với tôi?  Cuộc đời tôi cái gì là quan trọng nhất?  Đã có lần nào tôi đã dám đánh đổi tất cả để được cái đó chưa?  Tôi đã làm gì để có được Nước Trời trong đời sống này và cầm chắc được Nước Trời mai sau?  Tôi muốn đối diện với Chúa Giêsu và bàn chuyện này với Ngài.

2.     Phải chăng có được Nước Trời là có được Thiên Chúa.  Mà Chúa Giêsu là con đường đích thực dẫn tôi đến với Thiên Chúa.  Tôi đã sống kết hiệp với Chúa Giêsu như thế nào?  Tương quan giữa tôi với Ngài có là một mối thân tình, thân mật hay chỉ là một hình ảnh xa lạ, một người bạn qua đường, một người bạn nào đó giữa muôn người bạn trên mạng xã hội của tôi, thậm chí và tệ hơn nữa: Ngài chỉ là sở hữu vật, khi cần tôi mới nhớ, mới chạy đến, mới nương nhờ và cầu xin; còn khi không cần, tôi chẳng biết Ngài là ai, hay ở đâu nữa?  Mary Evuarherhe cảnh báo tôi thế này: “Môn đệ là người gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, chứ không chỉ là người khách ghé thăm vào cuối tuần – A disciple is an intimate follower of Jesus and not a weekend visitor.” Tôi nghĩ gì về những lời Chúa nói trong dụ ngôn hôm nay?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Tôi Xin Chọn Người,” của Ngọc Kôn, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=HJeoGbjLMtU

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, July 25, 2022

Thứ Ba Tuần XVII Thường Niên – Năm C –26-7-2022 – Lễ Thánh Gioa-kim và Anna – Cha Mẹ của Mẹ Maria

 Thu Ba XVII TN

Mát-thêu 13:36-43

36Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà.  Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe." 37 Người đáp: "Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. 38 Ruộng là thế gian.  Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời.  Cỏ lùng là con cái Ác Thần. 39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ.  Mùa gặt là ngày tận thế.  Thợ gặt là các thiên thần. 40 Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. 41 Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người,42 rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. 43 Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ.  Ai có tai thì nghe.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Trong những ngày này Giáo hội mời gọi tôi cùng suy niệm về những dụ ngôn của Chúa Giêsu.  Cũng giống như dụ ngôn người đi gieo giống, sau phần dụ ngôn (Mt 13:4-9), có phần giải thích ý nghĩa dụ ngôn (Mt 13:18-23); bài đọc hôm nay là lời giải thích ý nghĩa dụ ngôn cỏ lùng (Mt 13:24-30).  Các nhà chú giải cho rằng, bài đọc hôm nay không phải là những lời của Chúa Giêsu, mà là của các Kitô hữu ban đầu được viết lại như thể Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn này cho các môn đệ.  Cách giải thích dụ ngôn này đến từ cách hiểu và kinh nghiệm của các Kitô hữu tiên khởi về dụ ngôn của Chúa Giêsu.  Tôi hiểu như thế nào về dụ ngôn cỏ lùng?  Có điều gì đánh động tôi, gây ấn tượng đối với tôi nhất?  Ấn tượng ấy làm cho tôi lớn lên trong Chúa, hay làm tôi sợ hãi lo lắng? 

2.     Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu nói: “Ai có tai thì nghe.”  Đây không chỉ là dấu chỉ kết thúc một bài giảng của Chúa Giêsu, nhưng còn là một lời mời, mở ngỏ cho sự đáp trả đầy tự do của mỗi người.  Tôi có nghe thấy dụ ngôn như một lời mời của Chúa Giêsu cũng dành cho tôi?  Tôi nghe, nhưng có hiểu ý Chúa không?  Tôi nhìn, nhưng có thấy những gì Chúa Giêsu nói và làm?  Tôi muốn bày tỏ lòng ao ước của tôi với Chúa Giêsu về những gì Ngài rao giảng năm xưa qua dụ ngôn cỏ lùng.   

Phạm Đức Hạnh, SJ     

Sunday, July 24, 2022

Thứ Hai Tuần XVII Thường Niên – Năm C –25-7-2022 – Lễ Thánh Gia-cô- bê Tông Đồ

Thu Hai XVII TN 

Mát-thêu 20:20-28

20Khi ấy, bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. 21 Người hỏi bà: “Bà muốn gì?”  Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây được ngồi, một người bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” 22 Đức Giê-su bảo: “Các người không biết các người xin gì!  Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”  Họ đáp: “Thưa uống nổi.” 23 Đức Giê-su bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”

24Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. 25 Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. 26 Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. 27 Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. 28 Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay thật thú vị, bởi những gì được tường thuật trong bài đọc nghe sao rất người và nghe sao thật gần với tôi, đời sống xung quanh mỗi ngày của tôi.  Trước hết, tôi muốn dừng ở lời cầu xin, hay nói đúng hơn là lòng ao ước của bà Dê-bê-đê cho hai người con trai của bà.  Nhìn từ góc nhìn con người, tôi có thể nói bà mẹ này quá tham đến ích kỷ.  Nhưng nếu nhìn từ góc nhìn của niềm tin, tôi có thấy đây là một ao ước đẹp không?  Một ao ước thánh.  Có khi nào tôi ao ước, hoặc mạnh mẽ hơn đó là tham lam những điều thánh thiêng như bà mẹ này chưa?  Bà Dê-bê-đê ao ước cho con của bà được ngồi vào những chỗ quan trọng nhất và gần nhất với Thiên Chúa, vậy ước mơ của tôi về Thiên Chúa là gì?  Nên nhớ, C.S. Lewis (1898-1963), nhà văn và cũng là thần học gia giáo dân nổi tiếng thế giới, đã nói về ước mơ và tham vọng thế này: “Bạn không bao giờ là quá trễ để mơ ước – You are never too old to set another goal or to dream a new dream. Có khi nào tôi ao ước một lòng ao ước cầu nguyện chăm chỉ hơn, thật lòng hơn, thắm thiết hơn chăng?  Có khi nào lòng mến Chúa trong tôi mạnh đến mức tôi muốn chiếm đoạt Ngài, và chỉ muốn Ngài là của riêng tôi?  Tôi để ý những cảm xúc diễn ra trong tôi như thế nào, khi tôi mở lòng cho ao ước được thuộc trọn về Chúa và Chúa thuộc trọn về tôi. 

2.     Điểm rất người thứ hai trong bài đọc hôm nay, đó là: sự ghen tương giữa các môn đệ, khi biết bà mẹ Dê-bê-đê “chơi không đẹp”!  Đây là điểm cũng lý thú đối với tôi chăng?  Bởi, Mát-thêu đã để nguyên những nét trần tục đầy tham, sân, si nơi các môn đệ lâu năm của Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu là thế đó!  Ngài tuyển các môn đệ, mà chẳng xem xét lý lịch của họ, cũng chẳng đặt điều kiện với họ rằng, họ phải thay đổi và trở nên những người hoàn hảo thì Ngài mới nhận.  Không!  Ngài chọn họ với tất cả những bất toàn của họ.  Tôi có nhận thấy đây là điểm rất đẹp và đầy hy vọng cho tôi không?  Tôi vẫn còn có “cửa” được kể vào số những môn đệ của Chúa Giêsu giữa lòng cuộc sống hôm nay!  Khi biết các môn đệ đang ghen tức với hai anh em Gia-cô-bê và Gioan, Chúa Giêsu nhân cơ hội ấy, Ngài đã dạy họ về vai trò lãnh đạo đúng đắn nhất giữa những người thuộc về Ngài, đó là: Phục vụ và phục vụ trong khiêm nhường.  Tôi có thể lấy những tiêu chuẩn mà Chúa Giêsu nói để xét mình, xem: từ trước đến giờ tôi có phục vụ giống như Chúa Giêsu mong đợi, dù là phục vụ trong xã hội, giáo hội, giáo xứ, hay gia đình?  Tôi cần điều chỉnh lại mô hình phục vụ của tôi bao lâu nay không?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu xem Ngài nghĩ sao?    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, July 23, 2022

Chúa Nhật Tuần XVII Thường Niên – Năm C –24-7-2022

CN XVII TN

Luca 11:1-13

1Một hôm, Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” 2 Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:

“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Đại Cha mau đến,
3xin Cha cho chúng con
ngày nào có lương thực ngày ấy ;
4xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”

5Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, 6 vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả’, 7 mà người kia từ trong nhà lại đáp: ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.’? 8 Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó. 9 “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. 10 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. 11 Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho? 12 Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? 13 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay vẫn nối tiếp những bài đọc của các Chúa Nhật trước.  Hai Chúa Nhật trước đây, Chúa Giêsu kể câu chuyện về người bị nạn trên đường đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, nhưng bị các tư tế và Thầy Lê-vi làm ngơ không giúp, mà lại được một người ngoại giáo giúp.  Qua đó, Chúa Giêsu muốn nói đến những thái độ cầu nguyện và sống đạo xa rời với thực tế; chỉ cầu nguyện mà không quan tâm đến những bất công xã hội, thật chẳng có ích chi.  Trong bài đọc của Chúa Nhật tuần vừa rồi, tôi lại gặp được câu chuyện Chúa Giêsu được mời đến nhà của hai chị em Martha và Maria; trong đó, Martha quá bận rộn với công việc bếp núc, nhưng Maria chỉ ngồi bên chân Chúa mà nghe Ngài giảng.  Ở câu chuyện này, tôi có thể thấy, Chúa Giêsu nêu bật việc cầu nguyện trọng hơn phục vụ.  Nếu tôi đọc hai câu chuyện trên liên tiếp với nhau, tôi sẽ thấy, điểm nhấn của chúng ở sự quân bình giữa cầu nguyện và phục vụ.  Đến bài đọc của Chúa Nhật này, Chúa Giêsu chỉ cho tôi biết cầu nguyện phải như thế nào.  Cầu nguyện, trước hết, phải như Chúa Giêsu dạy trong “Kinh Lạy Cha”, một lời kinh mà có lẽ rất quen thuộc với đại đa số Kito hữu.  Có lẽ, đây mới là đỉnh cao của những gì Chúa Giêsu nói trong mấy tuần qua, đó là: phục vụ thì tốt, mà cầu nguyện cũng tốt, nhưng trong tất cả và trước tất cả phải làm vinh danh Thiên Chúa.  Tôi đọc lại từng lời của câu kinh quen thuộc này để hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Giêsu muốn tôi phải cầu nguyện, phải phục vụ sao cho vinh danh Chúa trên hết và trước hết. 

2.     Kế đến, cầu nguyện phải có lòng tin, cầu nguyện phải có sự kiên trì, cầu nguyện phải có tâm, cầu nguyện phải có hồn, cầu nguyện phải có lòng ao ước, không thể cầu nguyện như một thói quen, cho có lệ, cho qua luật buộc, hoặc vì a-dua…  Bao lâu nay tôi cầu nguyện như thế nào?  Niềm tin của tôi ở đâu trong những lời nguyện tôi cầu?  Chúa ở đâu trong những giờ cầu nguyện của tôi?  Chúa ở đâu sau khi tôi cầu nguyện?  Tôi hãy nghe những lời cảnh báo về cầu nguyện như sau.  Trước hết, John Bunyan (1628-1688), một nhà văn và là một nhà giảng thuyết thuộc phái Thanh Giáo người Anh, nói: “Cầu nguyện, vấn đề là ít lời nhưng giầu lòng hơn là, nhiều lời mà vô tâm – In prayer it is better to have a heart without words than words without a heart.”  Và E. C. McKenzie đặt câu hỏi: “Không hiểu sao có rất nhiều người đi lễ đọc “Kinh Lạy Cha” mỗi Chúa Nhật, vậy mà cả tuần sống như những kẻ mồ côi? -- Why is it that so many church members say “Our Father” on Sunday and go around the rest of the week acting like orphans?  Tôi lấy hai câu nói này để dẫn tôi hiểu hơn những gì Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay và ý thức hơn mỗi khi tôi cầu nguyện.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, July 22, 2022

Thứ Bảy Tuần XVI Thường Niên – Năm C – 23-7-2022

Thu Bay XVI TN

Mát-thêu 13:24-30

24Khi ấy, Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe dụ ngôn sau đây: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. 26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. 27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: ‘Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao?  Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?’ 28 Ông đáp: ‘Kẻ thù đã làm đó!’ Đầy tớ nói: ‘Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?’ 29 Ông đáp: ‘Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi’.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Có nhiều ý để tôi có thể suy niệm trong bài đọc hôm nay, nhưng ít ra hai ý này có thể giúp tôi thăng tiến trong con đường nên thánh và biết tương quan với mọi người.  Thứ nhất, Chúa Giêsu nói: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.”  Thiên Chúa gieo GIỐNG TỐT, không bao giờ giống xấu.  Bởi thế những gì Chúa Giêsu gieo là TIN MỪNG, không bao giờ là tin dữ.  Những việc Chúa Giêsu làm là những VIỆC LÀNH, VIỆC TỐT, không bao giờ là việc xấu.  Giáo hội mà Chúa Giêsu thiết lập là một GIÁO HỘI TỐT, chứ không phải là Giáo hội xấu.  Nhìn như vậy, tôi có thể thấy rõ hơn những cái xấu, những điều dữ trong Giáo hội, trong những mục tử của Giáo hội, trong các Kito hữu quanh tôi đến từ đâu.  Chúa Giêsu nói: Kẻ thù của Thiên Chúa đã gieo những cái xấu ấy vào giữa lòng Giáo hội, vào những người gọi là mục tử của Chúa, và vào các Kito hữu, lắm khi là những người rất đạo đức.  Nói như vậy không có nghĩa là, tôi có thể an nhiên tự tại, đổ lỗi hết cho ma quỷ, cho kẻ thù của Chúa mà không nhận thấy trách nhiệm của tôi về những xấu xa trong Giáo hội và xã hội hiện nay.  Có thể do lối sống ươn lười, có thể do đời sống thiếu cầu nguyện, đặc biệt thiếu lòng mến Chúa mà tôi đã để sự dữ len lỏi vào trong tôi, tôi đã cộng tác với sự dữ phá hoại Giáo hội và giết hại người khác.  Đâu là những lần, những hành động tôi đã cộng tác với ma quỷ, với sự dữ, gieo cỏ lùng trong Giáo hội, giáo xứ, gia đình và cuộc đời người khác?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong giây phút này?  Một lòng khiêm hạ xin ánh sáng của Chúa giúp tôi biết thay đổi chăng?  Tôi nói với Chúa Giêsu những khó khăn nên thánh, những vật lộn để sống tốt giữa một xã hội đầy gian dối hôm nay, và xin Ngài giúp đỡ.

2.      Thứ hai, Thánh Mát-thêu kể: các người đầy tớ đến xin Chủ đi nhổ những cỏ lùng trong đồng lúa.  Không phủ nhận lòng tốt và thiện chí của những người đầy tớ muốn điều tốt cho Chủ và cho lúa; tuy nhiên, sự khôn ngoan của Chủ lại có cái nhìn khác: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa.  Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.  Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi’.”  Đây là một lời khuyên đầy khôn ngoan và nhân từ; bởi trong cuộc sống, tôi rất dễ có khuynh hướng thấy tôi là lúa còn người khác chỉ là cỏ lùng và luôn có cám dỗ nhổ cỏ.  Biết bao nhiêu những bất hòa, xung đột trong gia đình và cộng, đoàn phần nhiều đến từ não trạng chủ quan, xem người ta là cỏ lùng mà không thấy họ cũng là lúa, hoặc mình cũng là cỏ lùng.  Hãy để ý lời Chúa Giêsu nói hôm nay và lời của Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832), một nhà thơ, nhà soạn kịch, tiểu thuyết gia, khoa học gia, chính khách và là nhà phê bình người Đức, nói:  “Con người ta thường nhìn thế giới từ những gì họ cưu mang trong lòng -- A man sees in the world what he carries in his heart.”  Hay nói theo kiểu của nhiều người Việt Nam, đó là: “Lòng đầy miệng mới nói ra,” hoặc “Suy bụng ta ra bụng người.”  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn nhìn lại đâu là những cám dỗ thường xảy đến trong tôi, khiến tôi chỉ thấy người khác là cỏ lùng, còn tôi luôn là lúa?  Đâu là những lúc tôi rất thích nhổ cỏ người khác?  Tôi muốn nói chuyện với Chúa Giêsu và xin cho có lòng nhân từ như Chúa.  Tôi muốn lấy lời Chúa trong bài đọc hôm nay và lời của Nate Miller: “Bất kỳ khoảng thời gian nào bạn dành để chỉ trích người khác đều là thời gian bạn có thể dành để cải thiện bản thân -- Any amount of time you spend criticizing others is time you could spend improving yourself”, mà tập thăng tiến bản thân và sống nhân từ với mọi người xung quanh.

Phạm Đức Hạnh, SJ