Gioan 7:40-53
40 Trong dân chúng, có những người nghe các lời
ấy thì nói: "Ông này thật là vị ngôn sứ." 41 Kẻ khác rằng: "Ông này là Đấng Ki-tô." Nhưng có kẻ lại nói: "Đấng Ki-tô mà lại
xuất thân từ Ga-li-lê sao? 42 Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất
thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao?"
43 Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. 44 Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai
tra tay bắt. 45 Các vệ binh trở về với các thượng tế và người
Pha-ri-sêu. Họ liền hỏi chúng: "Tại
sao các anh không điệu ông ấy về đây? " 46 Các vệ binh trả lời: "Xưa nay chưa hề đã có ai nói
năng như người ấy!" 47 Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng: "Cả
các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao? 48 Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một
ai tin vào tên ấy đâu? 49 Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề
Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!" 50 Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô,
trước đây đã đến gặp Đức Giê-su; ông nói với họ: 51"Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi
nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?" 52 Họ đáp: "Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê
sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ
Ga-li-lê cả." 53 Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.
(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay khá lý thú về
những tranh cãi giữa những người Do-thái về Chúa Giêsu. Trong những tranh cãi này làm nổi bật một vấn
đề: biết Chúa qua sách vở chẳng có ích lợi gì.
Những người rành Kinh Thánh, họ trích dẫn sách vở một cách rành rọt, rằng
Đức Kitô phải xuất thân từ làng Bê-lem và phải thuộc dòng dõi Vua Đa-vít. Kiểu biết này không có gì mới mẻ. Người ta đã từng trích dẫn như thế khi Vua
Hê-rô-và các nhà chiêm tinh hỏi: Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu?
Trong khi đó chính Chúa Kitô đang đứng
trước mặt họ mà họ không nhận ra. Điều
này cho thấy, việc biết Chúa qua sách vở và qua kinh nghiệm sống khác nhau một
trời một vực. Tôi không thể là Kitô hữu
bằng mảnh giấy rửa tội, bằng thánh giá đeo trên cổ, bằng việc đi lễ mỗi ngày,
hoặc làm dấu thánh giá trước bữa ăn nơi công cộng. Tôi chỉ có thể là Kitô hữu bằng cả đời sống yêu
mến Thiên Chúa, nhạy bén với những đau khổ và bấn công của những người chung
quanh bằng cả 24 tiếng mỗi ngày, 7 ngày trong tuần, và 365 ngày trong mọi năm
tuổi đời của tôi, ở mọi nơi và trong mọi lúc.
Một người nào đó đã nói: “Tuyệt vời biết bao nếu chúng ta sống đạo bằng tất
cả tâm sức của mình như khi mình dùng để tranh cãi về đạo -- How wonderful it would be if we spent as
much energy living our religion as we do arguing about it.” Tôi để ý, bao lâu nay tôi tốn bao nhiêu năng
lượng cho việc sống đạo hay tranh biện về đạo?
Người ta gặp tôi, họ có nhận biết Chúa Kitô trong tôi? Người ta gặp tôi, họ có muốn theo đạo vì đã
thấy tôi sống đúng những gì tôi tin? Người
ta gặp tôi, họ có nhận biết đạo mà tôi tin theo là một tôn giáo tuyệt đẹp, mang
đến cứu độ thật sự, không chỉ đời này mà còn cả đời sau? Trước mặt Chúa, tôi cúi xuống lòng tôi để xét
mình.
2. Biết Chúa bằng kinh nghiệm trong đời sống qua tương quan đầy yêu thương với mọi người quanh tôi thì quý hơn việc chỉ thuộc nằm lòng những câu giáo lý, hoặc chăm chút từng cử chỉ của những lễ nghi trong nhà thờ. Tôi có thể có những kinh nghiệm trực tiếp về Chúa Kitô ngay trong giây phút này của giờ cầu nguyện. Tôi tâm sự, tỏ bày, bàn bạc với Chúa Kitô về mọi vấn đề của tôi, gia đình, xã hội tôi. Tôi để ý Ngài sẽ nói gì và tôi phản ứng ra sao trước những lời của Ngài? Tôi xin cho tôi có một tâm hồn rộng mở và biết lắng nghe, không chỉ trong giờ cầu nguyện mỗi ngày, nhưng còn trong cuộc sống thường nhật khi tương quan với mọi người xung quanh.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment