Luca 24:35-48
35Khi ấy, hai môn đệ từ Em-mau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc
đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. 36 Các
ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho
anh em!” 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy
ma. 38 Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? 39 Nhìn
chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ
rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” 40 Nói
xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông
còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em
có gì ăn không?” 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá
nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. 44 Rồi
Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những
gì sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải
được ứng nghiệm.” 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu
Kinh Thánh 46 và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng:
Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; 47 phải
nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ
sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân
về những điều này.”
(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay là một trong những câu chuyện đã xảy ra dồn dập trong
ngày thứ nhất trong tuần. Chúa Giêsu
phục sinh hiện ra ở nhiều nơi và với nhiều người trong ngày thứ nhất ấy. Khi hai môn đệ từ Emmaus về, đang thao thao
kể cho các môn đệ khác về việc họ đã gặp được Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với
họ như thế nào, Ngài đã hiện ra với tất cả mọi người ngay lúc ấy và nói với họ:
“Bình an cho anh em!” Người ta sẽ không cảm thấy giá trị của “bình
an” cho đến khi họ bị giao động bởi chiến tranh, bắt bớ, bất hòa, chán nản, mất
hy vọng. Chưa bao giờ các môn đệ cần sự
bình an như lúc này, khi mà họ đang hoang mang, thất vọng, sợ hãi vì vừa chứng
kiến Chúa Giêsu bị giết một cách dã man trên thập giá. Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với họ, an ủi
và đem cho họ sự bình an. Lịch sử Giáo
hội hai ngàn năm qua là một lịch sử đầy những bắt bớ và thử thách. Bởi thế, “bình an” luôn là điều Giáo hội cầu
xin và mong đợi. Có lẽ vì thế mà trong
mọi Thánh lễ, mỗi ngày, ở khắp nơi trên thế giới, “bình an” luôn là lời chúc
được lập đi lập lại nhiều lần trong Thánh lễ qua linh mục chủ tế: “Bình an của
Chúa hằng ở cùng anh chị em.” “Bình an”
cũng là một trong những điều mà Chúa Giêsu đã từng sai sai các môn đệ đi rao
giảng: “Khi vào nhà nào, trước hết các
con hãy chúc bình an cho nhà đó” (Lk 10:5).
Tôi có thực sự bình an? Tôi muốn
được gặp Chúa Giêsu Phục Sinh lúc này và cảm nhận sự bình an mà Ngài đang ban
cho tôi. Tôi muốn chia sẻ sự bình an của
Chúa đến những ai và những nơi nào hôm nay?
2.
Trình thuật Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ trong bài đọc hôm nay cũng
rất lạ. Khi mọi người đang nói với nhau,
Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện đến với họ.
Ngài như không có thân xác, không còn lệ thuộc vào không gian và thời
gian nữa. Thế rồi, Ngài lại có thân xác
và hỏi các môn đệ có gì ăn không, và mời gọi họ đụng vào xương thịt của Ngài,
để chứng minh: Ngài không phải là ma, cũng chẳng phải là chuyện của trí tưởng
tượng. Như vậy, khó có thể nói Chúa Giêsu
Phục Sinh phải là như thế này hay phải là như thế kia. Mỗi người, mỗi hoàn cảnh Chúa Giêsu Phục Sinh
mạc khải cho người ấy mỗi cách, tùy theo khả năng đón nhận của họ. Điều đó cũng có nghĩa là, dù tôi là ai, Chúa Giêsu
Phục Sinh sẽ đến với tôi trong khả năng hiểu biết và đón nhận của tôi. Điều quan trọng là yêu mến, mong đợi và mở
lòng. Tôi có ba điều này không? Tôi muốn lắng nghe, để ý và mở lòng trong mọi
nơi tôi hiện diện và mọi việc tôi làm trong ngày hôm nay.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment