Saturday, April 16, 2022

Chúa Nhật Phục Sinh – Năm C –17-4-2022

CN PS

Gioan 20:1-9

1Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến.  Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” 3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4 Cả hai người cùng chạy.  Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. 5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi.  Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7và khăn che đầu Đức Giê-su.  Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào.  Ông đã thấy và đã tin. 9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      “Ánh Sáng” và “Bóng Tối” là hai chủ đề quan trọng chạy xuyên suốt toàn bộ Phúc âm Gioan.  Dĩ nhiên, “Ánh Sáng” mà Gioan nói đến không nên hiểu theo nghĩa vật lý, như: Ánh sáng được tạo ra từ các hạt quang tử (photons), kết hợp lại thành những bó trường điện từ mang một lượng năng lượng cụ thể; hoặc, “Bóng Tối” là một vật thể nào đó thiếu khả năng hấp thụ các hạt quang tử nên trở nên tối hơn so với các vật thể khác.  Gioan dùng “Ánh Sáng” và “Bóng Tối” như là những biểu tượng để nói về những ánh sáng và bóng đêm trong đời sống đức tin.  Nếu tinh ý, tôi có thể thấy Gioan thường đặt hai chủ đề đối xứng này trong hầu hết các chương phúc âm của ngài.  Ở ngay cầu đầu tiên của bài đọc hôm nay tôi đã thấy Gioan áp dụng lối viết này.  Ông viết: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ.”  Tối đây có thể hiểu là 5:00 hay 6:00 giờ sáng của ngày đầu tiên trong một tuần mới.  Nhưng đây là quyển sách đức tin, trời tối của ngày thứ nhất trong tuần còn có nghĩa là cái tối của lòng tin.  Tôi có thể dừng lại ở ngay câu đầu tiên này để suy niệm và hỏi: Tại sao Gioan viết như vậy?  Ngài có ý nói gì ở đây?  Nên nhớ, Chúa Giêsu mới bị người ta giết chết treo trên thập giá, khiến tất cả mọi người hụt hẫng, hoang mang, mất phương hướng và mất niềm tin.  Tuy nhiên sau một “thời gian”, Ma-ri-a Mác-đa-la đã có lại một chút bình tĩnh và hoàn hồn, bà đã đi ra nơi đã đặt xác của người bà rất yêu mến.  Dù người bà yêu đã chết chôn trong mồ, nhưng vẫn không chết trong lòng của bà.  Bà đi một mình trong đêm tối, nhưng càng đi thì trời càng sáng ra.  Có thể khi bà bắt đầu bước đi khi vẫn còn nhiều sợ hãi, hoài nghi và hoang mang, nhưng bà càng đi càng ngộ ra, càng thấy mọi sự rõ hơn, càng hiểu hơn, chứ chưa hiểu hoàn toàn, như tôi thấy trong câu chuyện trên.  Như vậy, dù trời tối, dù là đi một mình, bà Ma-ri-a Mác-đa-la vẫn đi, nhờ một ánh sáng dẫn đường duy nhất, đó là tình yêu của bà dành cho Chúa Giêsu.  Đúng là trong tình yêu thì không có sợ hãi (1 Ga 4:18)!  Tôi có thể tự hỏi: Có khi nào tôi cũng cảm thấy, tin Chúa, theo Chúa sao như đi trong đêm tối?  Tôi được một mảnh giấy cũ mèn xa xưa chứng nhận tôi là Kitô hữu, chứ thật sự bao lâu nay, tôi rất nghi ngờ về sự hiện hữu, quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa?  Nhiều khi cảm thấy niềm tin của tôi chẳng cần thiết trong đời sống này nữa, thậm chí là cản trở cho đời sống của tôi.  Thực sự, bao lâu nay tôi có còn đi tìm Chúa?  Hay, tôi tìm ai khác, hoặc cái gì khác, thay thế Chúa rồi?  Tình yêu của tôi đối với Chúa có mạnh như của bà Ma-ri-a Mác-đa-la?  Tôi ngồi đây nói chuyện với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, có thể nhờ một chút ánh sáng của bà dẫn tôi đi trong lúc này chăng?

2.      Sau khi chạy về báo cho Phê-rô và môn đệ được Chúa yêu, cả hai cũng chạy ra mộ.  Phê-rô chạy ra và vào trong mộ, ông đã thấy những giải khăn liệm được xếp lại gọn gàng.  Cuối cùng, môn đệ được Chúa yêu cũng vào, ông cũng thấy như Phê-rô thấy, nhưng ông tin.  Ông tin, ông ngộ ra những gì Kinh Thánh viết trước kia về Chúa Giêsu mà chẳng hiểu, bây giờ thì hiểu, bây giờ thì tin.  Để có thể tin Chúa Giêsu sống lại, hai ông phải cảm nhận từ kinh nghiệm ra mộ, vào trong mộ.  Tôi có thể bắt chước hai ông bằng cách, ngay giây phút này cũng “đi ra mộ”, cũng “vào trong mộ” qua việc đọc lại thật kỹ bản văn trên, đặt mình vào trong bản văn để nói chuyện với các môn đệ, đặc biệt nói chuyện với Chúa Giêsu.  Tôi thấy gì?  Tôi tin không?  Cái gì làm cho môn đệ được Chúa yêu, tin?  Có phải là tình yêu của ông dành cho Chúa Giêsu?  Người ta vẫn nói, khi yêu người ta mang một cặp mắt mới, nhìn mọi sự rất khác, mà những người không yêu không thể thấy.  Tôi có thể xin Chúa cho tôi được yêu Chúa như người môn đệ này chăng?  Nhờ vậy tôi có thể nói được như Thánh Augustine (354-430) rằng: “Chúng ta là những con người Phục sinh; và bài hát của chúng ta là bài Alleluia – We are Easter people; and Alleluia is our song!”  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Hoan Ca Phục Sinh,” do Hùng Lân sáng tác, với sự trình bày của Kiều Oanh, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=_39K_md7rT4

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment