Wednesday, April 27, 2022

Thứ Năm Tuần II Phục Sinh – Năm C –28-4-2022 – Lễ Thánh Louis Mary de Montfort

Thu Nam II PS

Tông Đồ Công Vụ 5:27-33

27Bấy giờ, viên lãnh binh Đền Thờ cùng các thuộc hạ điệu các Tông Đồ đến giữa Thượng Hội Đồng; vị thượng tế hỏi các ông rằng: 28 “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Giê-ru-sa-lem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi!” 29 Bấy giờ ông Phê-rô và các Tông Đồ khác đáp lại rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm. 30 Đức Giê-su đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, 31 và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Ít-ra-en ơn sám hối và ơn tha tội. 32 Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người.” 33 Nghe vậy, họ giận điên lên và muốn giết các ông.

(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Trong tác phẩm nổi tiếng, “Report to Greco”, của đại văn hào Kitô, người Hy-lạp, Nikos Kazantzakis (1883-1957), ông cũng đã từng chín lần được giải Nobel văn chương, mô tả giáo hội có ba loại Kitô hữu. “Loại thứ nhất nói, ‘Lạy Chúa, con là một cây cung trong tay Chúa.  Xin hãy dương con lên đừng để rỉ sét.’  Loại thứ hai nói, ‘Lạy Chúa, xin đừng dương con căng quá, kẻo con gẫy mất.’  Loại thứ ba nói, ‘Lạy Chúa, xin cứ dương con lên hết mình, dù cho con có thể bị gẫy.’The first says, ‘I’m a bow in your hands, Lord.  Draw me lest I rot.’  The second says, ‘Do not overdraw me, Lord.  I shal break.’  The third says, ‘Overdraw me, and who cares if I break.’”  Các tông đồ trong bài đọc hôm nay thuộc loại người Kitô thứ ba.  Tôi đọc lại bài đọc trên và tự hỏi chính mình: Tôi đang thuộc loại người Kitô nào?

2.      Thật không tưởng tượng được, các Kitô hữu tiên khởi, lúc đầu họ thật nhút nhát, thật sợ hãi ở trong nhà đóng kín cửa vì sợ.  Ấy thế mà bây giờ, họ mạnh dạn đến mức dù bị tù đầy, dù bị đòn roi, dù bị hiểu lầm, dù bị chống đối vu oan, thậm chí dù bị giết, họ vẫn không sợ, chỉ vì họ đã gặp được Chúa Giêsu Phục Sinh.  Câu nói của Phê-rô và các Tông Đồ khác đã chứng tỏ sự mạnh mẽ và can đảm của họ như thế nào: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm.”  Có lẽ họ chỉ sợ một điều, đó là: sợ mất Chúa Giêsu Phục Sinh.  Đây cũng là điều rất thật đã xảy ra ở mọi thời đại trong một lịch sử giáo hội bị bách hại, kéo dài suốt hai ngàn năm qua.  Ấy vậy mà, mà các Kitô hữu ở mọi thời đại vẫn rất giống nhau trong lòng mến với Chúa Giêsu Phục Sinh dù có bị bách hại đến mức nào.  Có nhiều hình thức bách hại niềm tin, tôi đang phải đối diện với những bắt bớ nào vì niềm tin của tôi vào Chúa Giêsu Phục Sinh hôm nay?  Tôi có dám trả lời với cuộc đời này như các tông đồ đã trả lời năm xưa không?  Trong giây phút này, tôi có thể nói chuyện với Chúa Giêsu Phục Sinh hoặc nói chuyện với các tông đồ, để tìm sức mạnh cho việc sống đức tin hôm nay.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện bằng bài hát, “Đức Tin Sắt Son và Bài Ca Ngàn Trùng” do Thanh Quốc và Kim Long sáng tác, với sự trình bày của Angelo Band, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=EeISQ0TyIQI&list=RDEeISQ0TyIQI&start_radio=1

    

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment