Sunday, April 3, 2022

Thứ Hai Tuần V Mùa Chay – Năm C –4-4-2022

Thu Hai V MC

Gioan 8:12-20

12Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Pha-ri-sêu rằng: “Tôi là ánh sáng thế gian.  Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.”

13Người Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su: “Ông làm chứng cho chính mình; lời chứng của ông không thật!” 14 Người trả lời: “Tôi có làm chứng cho chính mình đi nữa, thì lời chứng của tôi vẫn là chứng thật, bởi vì tôi biết tôi từ đâu tới và đi đâu.  Còn các ông, các ông không biết tôi từ đâu tới và đi đâu. 15 Các ông xét đoán theo kiểu người phàm; phần tôi, tôi không xét đoán ai cả. 16 Mà nếu tôi có xét đoán, thì sự xét đoán của tôi vẫn đúng sự thật, vì không phải chỉ có mình tôi, nhưng có tôi và Đấng đã sai tôi. 17 Trong Lề Luật của các ông, có chép rằng lời chứng của hai người là chứng thật. 18 Tôi làm chứng cho chính mình, và Chúa Cha là Đấng đã sai tôi cũng làm chứng cho tôi.” 19 Họ liền hỏi Người: “Cha ông ở đâu?”  Đức Giê-su đáp: “Các ông không biết tôi, cũng chẳng biết Cha tôi.  Nếu các ông biết tôi, thì hẳn cũng biết Cha tôi.”

20 Người đã nói những lời ấy, khi giảng dạy trong Đền Thờ, tại nơi đặt thùng tiền dâng cúng. Không có ai bắt Người, vì giờ của Người chưa đến.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Những bài đọc Phúc âm từ nay cho đến Tuần Thánh sẽ tập trung nhiều đến thiên tính của Chúa Giêsu.  Trong đó, tôi sẽ gặp rất nhiều những mẩu đối thoại hay tranh cãi rất sôi nổi giữa Chúa Giêsu và những người Do-thái.  Trong những mẩu đối thoại đó tôi có thể thấy, Gioan muốn trình bày một sự tương phản rõ rệt: một đàng, Chúa Giêsu muốn tỏ cho mọi người biết Ngài thật sự là ai, từ đâu mà đến, Chúa Cha đã thực sự sai Ngài, sự gắn bó mật thiết như thế nào từ trong suy nghĩ và việc làm giữa Ngài và Chúa Cha; đàng khác, những người Do-thái, không thuộc về Chúa Giêsu lại hoàn thoàn không hiểu Ngài đang nói gì, chẳng chấp nhận Ngài, thậm chí rất ghét Ngài đến mức, muốn tìm cách giết Ngài.  Phúc âm Gioan đã dùng những hình ảnh đầy tính biểu tượng để nói về những điều rất cao thượng, rất huyền nhiệm mà đầu óc con người khó có thể hiểu được, không dễ có thể chạm đến được.  Ngày hôm nay, sau khi Chúa Giêsu đã chết và phục sinh, tôi có thể thấy những gì Chúa Giêsu nói trước kia với những người Do-thái, đã thành hiện thực và tôi có thể hiểu dễ hơn người Do-thái năm xưa.  Tuy nhiên, hiểu là một chuyện, theo Ngài là một chuyện khác.  Chúa Giêsu nói, Ngài là ánh sáng thế gian, ai theo Ngài sẽ không phải đi trong tối tăm, nhưng sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống.  Ngày hôm nay tôi có thể hiểu những điều này của Chúa Giêsu, nhưng tôi có thật sự đang đi trong ánh sáng?  Chúa Giêsu có là Ánh Sáng của đời tôi, tôi có chọn Ngài luôn luôn, hay tôi sợ?  Bởi trong Ánh Sáng, mọi yếu đuối của tôi sẽ bị phơi bày.  Trong bóng tối, tôi cảm thấy thoải mái hơn vì mọi yếu đuối và xấu xa của tôi được giấu kín.  Tôi đọc lại bài đọc trên và chọn sống theo anh sáng, kể từ hôm nay.  Tôi cũng xin Ngài giúp tôi luôn biết chọn cho đúng, đầy khôn ngoan trong mọi chọn lựa của tôi. 

2.      Câu nói mở đầu của bài đọc hôm nay là một kiểu nói rất đặc biệt, đầy tính biểu tượng, trong Phúc âm Gioan.  Trong Phúc âm Gioan có bảy lần Chúa Giêsu nói: “Ta là”, nhằm nói đến thần tính của Chúa Giêsu.  Những kiểu nói này đã ứng nghiệm những gì Thiên Chúa nói trong Cựu Ước.  Trong bảy lần Chúa Giêsu nói “Ta là”, đều tiếp nối bằng câu: Ai theo Ta, ai tin Ta, ai gắn bó với Ta, thì sẽ có sự sống đời đời.  Bảy lần “Ta là” ấy, xuất hiện rải rác trong Phúc âm Gioan như: 1) “Ta là bánh hằng sống” (Ga 6:35, 41, 48, 51); 2) “Ta là ánh sáng thế gian” (Ga 8:12; 9:5); 3) “Ta là cửa chuồng chiên” (Ga 10:7,9); 4) “Ta là mục tử tốt lành” (Ga 10:11,14); 5) “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11:25); 6) “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6); 7) “Ta thực là cây nho” (Ga 15:1, 5).  Tôi có thể chọn một trong bảy lần Chúa Giêsu nói Ngài là, và tập sống trong ngày hôm nay để, sự sống của Chúa luôn tràn đầy trong tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ 

0 comments:

Post a Comment