Gioan 19:16-23
16Bấy giờ ông Phi-la-tô trao Đức
Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá. Vậy họ điệu Đức Giê-su đi. 17 Chính
Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là
Gôn-gô-tha; 18 tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá,
đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê-su
thì ở giữa. 19 Ông Phi-la-tô cho viết một tấm bảng và treo
trên thập giá; bảng đó có ghi: “Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do-thái.” 20 Trong
dân Do-thái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Đức Giê-su bị đóng đinh là
một địa điểm ở gần thành. Tấm bảng này
viết bằng các tiếng: Híp-ri, La-tinh và Hy-lạp. 21 Các
thượng tế của người Do-thái nói với ông Phi-la-tô: “Xin ngài đừng viết:
‘Vua dân Do-thái’, nhưng viết: ‘Tên này đã nói: Ta là Vua dân Do-thái’.” 22 Ông
Phi-la-tô trả lời: “Ta viết sao, cứ để vậy!” 23 Đóng đinh
Đức Giê-su vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn
phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu,
dệt liền từ trên xuống dưới.
(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Phụng vụ Tam Nhật Thánh bao gồm Thứ
Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh. Có
thể nói, phụng vụ của cả ba ngày này chỉ là một Thánh Lễ kéo dài trong ba
ngày. Kết thúc phụng vụ Thứ Năm Tuần
Thánh bằng việc rước Mình Thánh Chúa vào Nhà Tạm bên ngoài nhà thờ chính, sau đó
mọi người ở lại cầu nguyện trước Thánh Thể và thầm lặng ra về mà không có lời
chúc lành cuối lễ của chủ tế. Phụng vụ
Thứ Sáu Tuần Thánh không bắt đầu bằng việc làm dấu thánh giá hoặc lời chào của
chủ tế, nhưng bằng việc chủ tế phủ phục trước gian cung thánh đánh dấu biến cố
quan trọng mà cộng đoàn sắp cử hành là cuộc khổ nạn của chúa Giêsu. Cuối phần phụng vụ này cũng không có lời chúc
lành của chủ tế. Sau khi rước lễ, mọi
người thầm lặng ra về, ngẫm suy cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Sang đến phụng vụ Thứ Bảy Tuần Thánh cũng
không bắt đầu bằng việc làm dấu thánh giá và lời chào của chủ tế, nhưng bằng
việc làm phép lửa, công bố tin mừng phục sinh và canh thức với 9 bài đọc từ Cựu
ước đến Tân ước và Thánh lễ tiếp tục; sau đó kết thúc bằng việc chúc lành và
sai đi của chủ tế. Phụng vụ Thứ Sáu Tuần
Thánh bao gồm Phụng vụ lời Chúa, Lời nguyện của Giáo hội cầu nguyện cho mọi
thành phần trong Giáo hội và mọi thành phần trên thế giới, Suy tôn thánh giá và
Rước lễ. Bài đọc hôm nay là một trích
đoạn rất ngắn của Bài Thương Khó, mà Thứ Sáu Tuần Thánh nào Giáo hội cũng dùng
để suy niệm. Dù phụng vụ hôm nay tập
trung vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu với bài Phúc âm Gioan rất dài nói về cuộc
khổ nạn của Chúa Giêsu và phần suy tôn thánh giá, nhưng tôi không nên dừng ở
những đau khổ, dù rất tàn bạo, mà Chúa Giêsu đã phải trải qua. Điều quan trọng, đó là: tôi phải đọc ra, tại
sao Chúa Giêsu, một Thiên Chúa dựng nên cả đất trời, yêu thương tôi vô điều
kiện, vô tội, vậy mà lại bị chết treo trên thập giá đầy khổ nhục như vậy? Chúa Giêsu chết vì ai? Nhờ tự vấn tôi mới nhận ra, Chúa yêu tôi đến
mức nào và tôi biết phải thay đổi đời sống như thế nào cho xứng với tình yêu
cao cả ấy. Một người nào đó đã nói: “Hoán
cải là thay đổi cách nhìn cuộc đời; theo nhãn quan của Chúa, chứ không phải của
tôi – To repent is to alter one’s way of
looking at life; it is to take God’s point of view, instead of my own.” Ngắm nhìn thập giá, tôi nghĩ gì về cuộc đời
này? Tôi nghĩ gì về cuộc đời của những
người xung quanh? Tôi nghĩ gì về cuộc
đời của tôi với những gì tôi đang làm, với những yếu đuối tôi đang có? Tôi sẽ thay đổi gì và ra sao ngay giây phút
này, cho xứng với tình yêu của Chúa luôn dành cho tôi?
2. Tôi đọc lại trích đoạn trên về cuộc
khổ nạn của Chúa Giêsu và bắt chước Thánh Inhaxio Loyola trả lời cho mình ba
câu hỏi: 1) Tôi đã làm gì cho Chúa Kitô?
Tôi đang làm gì cho Chúa Kitô?
Tôi sẽ làm gì cho Chúa Kitô? Tôi
kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Giêsu! Giêsu!”, sáng tác
của Lm. Thành Tâm, do Nguyễn Hồng Ân trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=04bNYNNgTf0
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment