Friday, April 15, 2022

Thứ Bảy Tuần Thánh – Năm C –16-4-2022

 Thu Bay TT

Luca 24:1-12

1Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. 2 Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. 3 Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giê-su đâu cả. 4 Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. 5 Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? 6 Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi.  Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, 7 là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại.” 8 Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Đức Giê-su đã nói. 9 Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. 10 Mấy bà nói đây là bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Gio-an-na, và bà Ma-ri-a, mẹ ông Gia-cô-bê.  Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vậy. 11 Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin. 12 Dầu vậy, ông Phê-rô cũng đứng lên chạy ra mộ.  Nhưng khi cúi nhìn, ông thấy chỉ còn có những khăn liệm thôi.  Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay Thứ Bảy Tuần Thánh, cả Giáo hội ăn mừng vì Chúa Giêsu đã phục sinh.  Trong những ngày và những tuần kế tiếp tôi sẽ được đọc rất nhiều về những trình thuật phục sinh.  Ở những trình thuật phục sinh ấy, tôi sẽ nhận thấy hai điều rất rõ: Thứ nhất, biến cố phục sinh không phải chỉ là cho Chúa Giêsu mà còn là cho tất cả mọi người theo Ngài nữa.  Nếu Chúa Giêsu không sống lại, mọi người theo Chúa Giêsu đều là những người điên, như phản ứng của các ông trong bài đọc hôm nay đã cho rằng, các bà rất vớ vẩn.  Mà kinh nghiệm về Chúa Giêsu sống lại không thể là kinh nghiệm vay mượn từ bất cứ ai, nhưng phải là kinh nghiệm riêng tư, cá vị về Ngài.  Các bà, trong bài đọc hôm nay, phải ra mộ mới có thể có cái kinh nghiệm riêng và lời giải thích riêng của họ về Chúa Giêsu.  Kể cả Phê-rô cũng thế.  Thậm chí, kể cả tôi hôm nay nữa!  Tôi sẽ còn gặp nhiều trình thuật khác nữa về Chúa Giêsu Phục Sinh, nhưng trình thuật nào cũng nói về những kinh nghiệm trực tiếp và riêng tư về Ngài, chứ không nghe qua ai khác.  Chỉ khi nào tôi có kinh nghiệm riêng tư với Chúa Giêsu Phục Sinh, lúc đó tôi mới biết và mới hiểu thế nào là phục sinh.  Mà cách để tôi có được kinh nghiệm riêng tư và cá vị về Chúa Giêsu Phục Sinh là, tôi phải “thăm mộ”, phải “đi vào trong mộ”, phải “thọc tay vào những vết thương của Chúa Giêsu”, tức là phải có những kinh nghiệm riêng tư với Chúa trong mỗi giờ cầu nguyện của tôi.  Nếu không, tôi sẽ không hiểu phục sinh là gì, và Chúa Giêsu vẫn chưa sống lại.  Tôi muốn dành giây phút này, chìm đắm trong cầu nguyện, chiêm nghiệm những gì mà bài đọc đang muốn giúp tôi có kinh nghiệm riêng tư và trực tiếp về Chúa Giêsu Phục Sinh.  Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin cho cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa ngay trong giây phút này!        

2.      Thứ hai, không một tác giả phúc âm nào đã viết về hiện trạng lúc Chúa Giêsu sống lại, nhưng chỉ viết về các trình thuật Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với đủ mọi người và mọi nhóm.  Tất cả các trình thuật phục sinh đều rất khác nhau, mỗi người kể mỗi kiểu.  Dù chúng rất khác nhau nhưng lại có chung một điểm, đó là: trước khi Chúa Giêsu sống lại, mọi người đều sợ hãi, bởi người ta đã giết Thầy, chắc họ cũng sẽ giết mình; mọi người đều hoang mang, mất phương hướng, như rắn mất đầu, bởi họ đã bỏ mọi sự để đi theo Chúa Giêsu, đặt hết tin tưởng và hy vọng ở Ngài, vậy mà bây giờ Ngài bị giết chết treo trên thập giá như một tội phạm; tất cả đều tuyệt vọng, không biết phải làm lại cuộc đời như thế nào.  Nhưng sau khi gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, tất cả đều trở nên mạnh mẽ, bung ra khỏi nhà; tất cả như tìm thấy sức sống mới, lý tưởng mới và hướng đi mới cho cuộc đời của họ.  Tất cả trở thành những con người mới hoàn toàn.  Tôi muốn xem lại đời sống đức tin của tôi bao lâu nay.  Tôi tin Chúa Giêsu đã sống lại, vậy niềm tin này đã ảnh hưởng, chi phối đời sống của tôi ra sao?  Tôi có sống mạnh mẽ hơn, vui tươi hơn, yêu đời hơn, hy vọng hơn, lạc quan hơn, vững tin hơn, quảng đại hơn, bao dung hơn, hay tôi vẫn ủ rũ, buồn tẻ, chán nản, ích kỷ, hận thù, thiếu tự tin ở chính mình, ở Chúa, ở cuộc đời, ở mọi người?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Con Gặp Chúa,” sáng tác của Phạm Quang, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=dzFp29uzuEs

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment