Friday, April 22, 2022

Thứ Bảy Bát Nhật Phục Sinh – Năm C –23-4-2022

Thu Bay BNPS

Mác-cô 16:9-15

9Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. 10 Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. 11 Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.

12Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. 13 Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.

14Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa.  Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. 15 Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Đọc xong bài đọc trên, có lẽ cụm từ còn ở lại trong tôi mãi, đó là: “vẫn không tin”.  Chúa Giêsu đã phục sinh và hiện ra với người này, hiện ra với người kia, hiện ra với cá nhân, hiện ra với tập thể nhiều người; tuy nhiên, khi những người này thuật lại cho những người khác nghe, nhưng họ vẫn không tin.  Ai cũng đòi niềm tin của họ vào Chúa Giêsu Phục Sinh phải là kinh nghiệm riêng của họ với Ngài.  Điều này cho thấy, niềm tin Chúa Giêsu đã phục sinh, từ ban đầu, đã không phải là chuyện của mấy người nhẹ dạ cả tin, mà đã trải qua một quá trình thanh lọc từ những kinh nghiệm cá vị với Chúa Giêsu Phục Sinh.  Niềm tin ấy cũng vẫn như thế trong suốt hai ngàn năm qua; tức là, ai cũng phải có kinh nghiệm riêng về Chúa Giêsu Phục Sinh thì niềm tin ấy mới mạnh mẽ, mới tạo nên những biến đổi với cá nhân và cộng đồng xã hội xung quanh.  Nếu không có một kinh nghiệm riêng tư về Chúa Giêsu Phục Sinh mà chỉ nghe về Ngài, niềm tin của tôi sẽ chẳng thể nẩy mầm hoặc bén rễ sâu được trong đời sống; để rồi, gió thổi chiều nào ngả về chiều ấy, khi buồn thì tìm Chúa khóc than, khi vui chẳng cần biết Chúa là ai nữa, khi bình an vô sự chẳng cần nói với Chúa hay muốn gặp Ngài, nhưng khi gặp thử thách gian nan thì than trách Chúa, bỏ lễ, bỏ đạo, bỏ Chúa.  Tôi xem lại đời sống đức tin của tôi như thế nào, mạnh mẽ hay èo uột, đang phát triển mạnh hay đã héo khô từ bao giờ?  Bỏ giờ ra ngồi bên Chúa Giêsu Phục Sinh mỗi ngày, tâm tình nhỏ to với Ngài từ đáy lòng của tôi sẽ là những giây phút kinh nghiệm riêng tư về Ngài, là những giây phút hạt giống đức tin của tôi được tưới tắm, nhờ thế mà nảy mầm bén rễ.  Tôi bắt đầu. 

2.      Chỉ khi nào tôi ngồi bên Chúa Giêsu Phục Sinh, kết thân với Ngài mỗi ngày, tôi mới có thể thực hiện được mệnh lệnh của Ngài: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”  Như vậy, căn tính của Kitô giáo là loan báo Tin Mừng, không loan báo bất cứ tin gì khác: hận thù, lên án, trừng phạt, bất khoan dung…  Ngày nào tôi không loan báo Tin Mừng, xa tránh việc sống Tin Mừng, ngày ấy tôi đánh mất căn tinh Kitô của tôi.  Tôi không còn là tôi nữa.  Từ hôm nay trở đi, tôi sẽ nói gì, làm gì và sống như thế nào để gọi là loan báo Tin Mừng?  Tôi xin Chúa giúp tôi luôn ý thức về bổn phận và trách nhiệm của tôi trong việc loan báo Tin Mừng.  Để nhắc nhở tôi phải loan báo Tin Mừng như thế nào, tôi có thể dùng bài hát , “Gieo và Gặt”, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=tDfY03d6ra8

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment