Saturday, April 23, 2022

Chúa Nhật Tuần II Phục Sinh – Năm C –24-4-2022

CN II PS

Gioan 20:19-31

19Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái.  Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn.  Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em!  Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

24Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!”  Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông.  Các cửa đều đóng kín.  Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy.  Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy.  Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” 29 Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin.  Phúc thay những người không thấy mà tin!”

30Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay rất phong phú, có rất nhiều ý tưởng có thể giúp tôi cầu nguyện.  Tuy nhiên hai điểm sau có thể là quan trọng và cần thiết cho tôi lúc này: Thứ nhất, Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, không có Tô-ma, với lời chúc bình an và ban Thánh Thần.  Tôi để ý đến lời ban Thánh Thần của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.   Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”  Như vậy, lãnh nhận Thánh Thần là để tha thứ và chữa lành, và cũng nhờ Thánh Thần mà tôi mới có sức mạnh và can đảm để tha thứ cho chính mình và cho người khác.  Giáo hội đã dùng lời ban Thánh Thần của Chúa Giêsu làm công thức xá giải cho hối nhân mỗi khi họ lãnh Bí tích Hòa giải.  Lời xá giải mà tôi vẫn được nghe từ linh mục giải tội nói với tôi mỗi khi lãnh Bí tích Hòa giải, như sau: “Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hoà thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội.  Nhờ tác vụ của Hội thánh xin Chúa ban cho con ơn tha thứ và bình an.  Vậy cha tha tội cho con: Nhân danh Cha + và Con và Thánh Thần.”  Hôm nay là Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa, một Chúa nhật đặc biệt Giáo hội dùng để diễn tả lòng thương xót của Chúa bằng cách mời gọi mọi tín hữu hãy cảm nhận lòng thương xót ấy qua Bí tích Hòa giải.  Sau giờ cầu nguyện này tôi có thể đi lãnh Bí tích Hòa giải.  Tôi cũng có thể sống sự tha thứ và hòa giải như Thiên Chúa luôn tha thứ và hòa giải với tôi.

2.     Thứ hai, sự xác tín trong niềm tin.  Trong lần thứ nhất Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, không có Tô-ma ở đó.  Sau khi các môn đệ kể lại cho Tô-ma rằng họ đã gặp được Chúa Giêsu Phục Sinh như thế nào, nhưng ông không tin.  Ông đòi niềm tin ấy phải đến từ chính kinh nghiệm riêng của ông.  Tám ngày sau, Chúa Giêsu Phục Sinh lại hiện đến với các môn đệ và lần này có Tô-ma.  Chúa Giêsu đã nói riêng với Tô-ma, mời gọi ông thọc tay vào vết thương của Ngài.  Đây là một hình ảnh tuyệt đẹp về niềm tin.  Tôi chỉ có thể có đức tin mãnh liệt vào Thiên Chúa khi tôi có kinh nghiệm trực tiếp và cá vị với Ngài.  Để có kinh nghiệm ấy trước hết phải có lòng ao ước.  Thứ hai phải được Thiên Chúa ban cho.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể xin như Tô-ma, được cảm nghiệm Chúa Giêsu Phục Sinh bằng ngũ quan của tôi.  Tôi không thể chỉ ôm một mớ kiến thức giáo lý mà tôi đã được dạy từ bé mà đã đủ cho niềm tin của tôi, nhưng phải là kinh nghiệm đổi đời mỗi ngày mang tính cá vị và thân mật giữa tôi với Chúa Giêsu Phục Sinh.  Tôi cúi đầu và tha thiết cầu xin.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment