Friday, April 29, 2022

Thứ Bảy Tuần II Phục Sinh – Năm C –30-4-2022 – Lễ Thánh Pi-ô V, Giáo Hoàng

Thu Bay II PS

Tông Đồ Công Vụ 6:1-7

1Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên.2 Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: "Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải.3 Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó.4 Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa."5 Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Tê-pha-nô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông Phi-líp-phê, Pơ-rô-khô-rô, Ni-ca-no, Ti-môn, Pác-mê-na và ông Ni-cô-la, một người ngoại quê An-ti-ô-khi-a đã theo đạo Do-thái.6 Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông.7 Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Giê-ru-sa-lem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin.

(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay nghe thật gần trong từng cộng đoàn, xứ đạo và xã hội của tôi hôm nay: vấn đề phân biệt đối xử.  Các cộng đoàn Kito hữu tiên khởi họ một lòng một ý lấy mọi sự riêng làm của chung và phân phát cho mọi người tùy theo nhu cầu của họ, như tôi đã thấy trong Cv 4:32-37.  Mới đó vậy mà ở bài đọc hôm nay tôi lại thấy, nhóm này được ưu đãi hơn nhóm kia.  Những bà góa Hy-lạp kêu trách các tông đồ vì họ cảm thấy bị bỏ rơi, bị kỳ thị, không được đối xử giống những bà góa Do-thái.  Cuộc sống nếu không đặt Chúa lên trên hoặc là trung tâm của đời sống thì lòng tham và tính thiên vị cho người của mình vốn đã nằm sẵn trong mỗi người sẽ nổi lên và làm chủ mọi hành động và thái độ của mình, từ đó sinh ra tính bộ tộc, tính đồng hương, tính gia đình.  Mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh đều phát sinh những chủ nghĩa bộ tộc kiểu mới như tôi thấy những năm gần đây tại Mỹ đang nổi lên những chủ nghĩa dân tộc cựu đoan (Ultranationalism), chủ nghĩa ưu việt da trắng (White supremacy).  Người của mình phải được quan tâm trước nhất, phải được ưu đãi hơn những người không phải của mình.  Đáng buồn!  Đáng sợ!  Phân biệt đối xử không phải là đường lối của Chúa; bởi khi tôi phân biệt đối xử, tôi đã hạ giá người khác, một hình ảnh của Thiên Chúa.  George Hruby, một sử gia, thi sĩ và nhiếp ảnh gia quốc tế nói: “Ngày nào nhân loại chinh phục được chủ nghĩa bộ lạc, ngày đó nhân loại mới thực sự văn minh – Until Mankind can conquer tribalism, it will never truly be civilized.”  Tôi có nhận thấy tính thiên vị ấy cũng cắm rễ sâu trong tôi?  Hành động, suy nghĩ và thái độ đầy thành kiến trong tôi được diễn tả gần đây nhất qua sự kiện và biến cố nào?  Tôi xin Chúa giúp tôi bớt bỏ những thiên vị và thành kiến trong tôi và xin được ơn chữa lành cho tất cả những ai đã bị thiệt thòi vì tôi.   

2.     Các tông đồ quá bận rộn trong việc rao giảng lời Chúa nên việc chăm sóc mục vụ đã không được chu đáo; chính vì thế, vấn đề xung khắc xảy ra trong cộng đoàn.  Các tông đồ đã thành lập những thừa tác viên chuyên lo phục vụ cộng đoàn thay cho các tông đồ, gọi là phó tế, và tác vụ phó tế này vẫn còn cho đến ngày nay.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi muốn cầu nguyện cho các phó tế và người phối ngẫu của họ, để họ biết phục vụ cộng đoàn cho xứng đáng.  Tôi cũng tạ ơn Chúa vì sự hy sinh rất lớn của người phối ngẫu của phó tế, đã chuyên tâm lo lắng việc nhà để phó tế có thể an tâm phục vụ cộng đoàn.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment