Tông Đồ Công Vụ 3:1-10
1Một hôm, ông Phê-rô và ông Gio-an lên Đền Thờ, vào buổi cầu nguyện giờ
thứ chín. 2 Khi ấy, người ta khiêng đến một người què từ
khi lọt lòng mẹ. Ngày ngày họ đặt anh ta
bên cửa Đền Thờ gọi là Cửa Đẹp, để xin kẻ ra vào Đền Thờ bố thí. 3 Vừa
thấy ông Phê-rô và ông Gio-an sắp vào Đền Thờ, anh liền xin bố thí. 4 Hai
ông nhìn thẳng vào anh, và ông Phê-rô nói: “Anh nhìn chúng tôi đây!” 5 Anh
ta chăm chú nhìn hai ông, tưởng rằng sẽ được cái gì. 6 Bấy
giờ ông Phê-rô nói: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh
đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi!” 7 Rồi
ông nắm chặt lấy tay mặt anh, kéo anh trỗi dậy. Lập tức bàn chân và xương mắt cá của anh trở
nên cứng cáp. 8 Anh đứng phắt dậy, đi lại được; rồi cùng
với hai ông, anh vào Đền Thờ, vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa. 9 Toàn
dân thấy anh đi lại và ca tụng Thiên Chúa. 10 Và khi nhận
ra anh chính là người vẫn ngồi ăn xin tại Cửa Đẹp Đền Thờ, họ kinh ngạc sững sờ
về sự việc mới xảy đến cho anh.
(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay là một trong những
trang nhật ký về những sinh hoạt ban đầu của Giáo hội sơ khai. Trang nhật ký hôm nay kể về Phê-rô và Gioan
lên đền thờ cầu nguyện, nhưng khi vừa đến Cửa Đẹp của đền thờ, một người què ăn
xin đã xin tiền hai ngài. Tôi để ý cách
trả lời của Phê-rô, thật đáng cho tôi suy ngẫm trong giờ cầu nguyện này. Phê-rô nói: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái
tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng
dậy mà đi!” Có khi nào tôi đã trả lời cho những người xin
tôi giúp đỡ bằng kiểu nói đầy niềm tin như của Phê-rô? Có thể xưa nay tôi vẫn nghĩ: đợi khi nào tôi
có tiền, có thời giờ, có địa vị, tôi sẽ giúp người. Dĩ nhiên, tiền bạc có thể giúp người ta vượt
qua những khó khăn thực tế trước mắt, nhưng bài đọc hôm nay cho tôi thấy, đó
không phải là cách duy nhất. Giúp người
đâu cứ cần là phải có tiền, có địa vị, có thời giờ. Không.
Điều quan trọng là đức tin và tấm lòng.
Nhờ niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh mà người ta được chữa lành, chứ
không phải tôi. Nhờ tấm lòng, tôi trở
nên nhạy bén, dám mở ra, dám đến với những người đang cần sự giúp đỡ của tôi. Không có niềm tin, không có lòng, dù tôi có
tiền, địa vị và thời giờ, không bao giờ tôi đến được với bất cứ ai đang gặp khó
khăn. Tôi dành giây phút này để cầu
nguyện. Tôi đọc lại câu trả lời của
Phê-rô, để ý từng cử chỉ của ông và xin cho niềm tin của tôi vào Chúa Kitô Phục
Sinh được trở nên mạnh mẽ, để tôi dám chia sẻ với người khác về niềm tin ấy. Cả ngày hôm nay và kể từ hôm nay, tôi muốn để
ý Chúa sẽ cho tôi gặp những ai đang cần sự giúp đỡ của tôi? Có thể họ là những người đang đau liệt
giường, đang gặp khó khăn trong đời sống, hoặc đang đứng tại các ngã tư đường,
hoặc vệ đường xin ăn. Trước khi giúp ai
đó bằng vật chất, tôi muốn dâng một lời cầu nguyện cho họ được không?
2. Sau khi Chúa Giêsu chịu khổ
hình và phục sinh, giờ đây là thời kì của mọi người đi theo Ngài. Họ được mời gọi làm những điều mà đã học nơi
Chúa Giêsu và từ những căn dặn sai đi của Ngài: Hãy chữa lành, đem bình an, yêu
thương, giải thoát và xua trừ sự dữ. Các
môn đệ ngày xưa đã làm đúng như Chúa Giêsu đã làm và dạy. Tôi cũng muốn diễn tả niềm tin của tôi bằng
những việc làm như vậy trong mọi ngày sống của tôi hôm nay. Tôi nhắc nhở tôi làm những gì mà Chúa nói với
tôi trong giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Kinh
Hòa Bình,” lời của Thánh Phanxico, do Kim Long phổ nhạc, qua đường dẫn sau
đây: https://www.youtube.com/watch?v=qyV9WG8qzC0
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment