Monday, April 25, 2022

Thứ Ba Tuần II Phục Sinh – Năm C –26-4-2022

Thu Ba II PS

Công Vụ Tông Đồ 4:32-37

32Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý.  Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. 33 Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại.  Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng. 34 Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, 35 đem đặt dưới chân các Tông Đồ.  Tiền ấy được phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. 36 Ông Giô-xếp, người được các Tông Đồ đặt tên là Ba-na-ba, nghĩa là người có tài yên ủi, có một thửa đất. Ông là một thầy Lê-vi quê quán ở đảo Sýp. 37 Ông bán đất đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ.

(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một trang nhật ký tuyệt đẹp kể về đời sống của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi.  Khi ấy, mọi người sống rất mực chăm sóc cho nhau, không ai lấy sự gì làm của riêng, nhưng tự nguyện bỏ mọi sự vào làm của chung và phân phát cho mọi người tùy theo nhu cầu của mỗi người, không một ai phải túng thiếu.  Lối sống này nghe cũng quen quen với nhiều người đã từng sống dưới thời Hợp Tác Xã của Chế độ Cộng sản do Karl Marx chủ xướng.  Tuy nhiên Cộng sản đã không thành công, dẫn đến cả khối cộng sản Đông âu sụp đổ.  Ngày hôm nay chỉ còn một vài nước, trong đó có Việt Nam, mang danh nghĩa là Cộng sản, nhưng thực chất là những nước tư bản độc tài với kiểu phát triển kinh tế thị trường.  Chẳng một nơi nào mà tham nhũng tìm được đất mầu mỡ để phát triển vững mạnh cho bằng các nước có chế độ độc tài.  Dưới chế độ độc tài, tham nhũng đã tự tung tự tác phát triển thành những thành trì kiên cố, đẻ ra biết bao nhiêu những tư sản đỏ cùng các nhóm lợi ích.  Trong chế độ độc tài, càng có quyền người ta sẽ càng giầu; càng có quyền sẽ càng tham nhũng.  Tại sao hai ngàn năm trước các cộng đoàn Kitô đã làm được, còn Cộng sản ngày nay lại thất bại?  Câu trả lời rất rõ, đó là: Những người Kitô đã đặt Thiên Chúa là cùng đích cho đời sống của họ; trong khi đó, Cộng sản chủ trương vô thần.  Nếu cuộc đời này không có Thiên Chúa và chẳng có đời sau, sẽ chẳng còn luân lý đạo đức gì nữa.  Người ta sẵn sàng làm mọi sự, miễn sao có lợi cho bản thân.  Lối sống của những Kitô hữu ban đầu vẫn còn duy trì cho đến ngày hôm nay tại các dòng tu.  Kể cả trong các đoàn thể Kitô, một khi họ cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa và tình yêu của Ngài, họ bỗng trở nên rất quảng đại, sẵn sàng chia sẻ những gì họ có một cách vô vị lợi.  Trong giây phút này tôi muốn nhìn lại đời sống của tôi: Tôi đã quảng đại hay ích kỷ?  Trong mọi quyết định, suy nghĩ và tương quan của tôi, có Chúa trong đó không?  Nếu không, tôi sẽ không bao giờ sống được như các Kitô hữu tiên khởi; đồng thời, tôi chẳng khác gì những người Cộng sản vô thần. 

2.      Tôi đọc lại bài đọc trên để nhận ra, để cảm nghiệm sự thanh thoát và bình an của các Kitô hữu tiên khởi?  Tôi có thể bắt chước họ phần nào không?  Điều gì đang giữ tôi ở mãi trong lối sống ích kỷ, nặng tính vật chất và rất tạm bợ này?  Tôi cần Chúa giúp gì để tôi được thanh thoát và bình an hơn?

Phạm Đức Hạnh, SJ 

0 comments:

Post a Comment