Mác-cô 7:24-30
24Khi ấy, Đức Giê-su đến địa hạt Tia. Người
vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được. 25 Thật
vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người,
liền vào sấp mình dưới chân Người. 26 Bà là người Hy-lạp,
gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri. Bà xin
Người trừ quỷ cho con gái bà. 27 Người nói với bà: “Phải
để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném
cho chó con.” 28 Bà ấy đáp: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng
chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ nhỏ.” 29 Người
nói với bà: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà
rồi.” 30 Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường, và
quỷ đã xuất khỏi.
(Trích Phúc
âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Sau một loạt những lời giảng cải cách của Chúa Giêsu về lối sống đạo, bài
đọc hôm nay kể Chúa Giêsu trở lại việc đi đến các làng mạc và người ta tuôn đến
xin Ngài chữa lành. Một lần nữa, Mác-cô
kể Chúa Giêsu muốn đi âm thầm không muốn ai biết, giống như Ngài đã làm ở trong
chương trước (6:30-42); thế rồi, dân chúng cũng biết và tuôn đến với Ngài,
khiến Ngài không có giờ riêng để nghỉ ngơi, nhưng lại bận rộn chữa lành cho họ. Câu chuyện hôm nay là sự xuất hiện của một
người mẹ Hy-lạp, dân ngoại. Người
Do-thái vốn có cái nhìn khinh miệt dân ngoại; họ cho rằng, chỉ họ là dân riêng
của Chúa mới xứng đáng hưởng ơn cứu độ của Chúa, còn dân ngoại chỉ đáng xuống
hỏa ngục! Từ cái nhìn bài ngoại đầy
thành kiến, nặng tính dân tộc truyền kiếp như vậy mà tôi hiểu rõ hơn câu nói
của Chúa Giêsu: “Phải để cho con cái ăn
no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” Con cái đây có nghĩa là dân Do-thái, chó
đây là dân ngoại. Người Do-thái vốn ví dân
ngoại ngang hàng với chó. Chó thì chó,
ấy thế mà, người mẹ này vẫn đến với Chúa Giêsu.
Tôi có mạnh dạn đến với Chúa Giêsu không? Dù tôi có tội lỗi như thế nào đi nữa, tôi có
dám đến phủ phục dưới chân Chúa Giêsu không?
Điều gì đã khiến tôi không dám?
Tội tôi lớn hơn hay tình yêu của Chúa Giêsu lớn hơn? Tôi đang để ai và cái gì đang giam hãm tôi
không đến gần được với Chúa Giêsu? Tôi
lấy can đảm để đến và thổ lộ với Chúa Giêsu tất cả nỗi lòng của tôi.
2. Dù người mẹ Hy-lạp biết rõ mình không dễ gì đến được với người Do-thái,
nhưng bà vẫn đến, chỉ vì bà yêu con của bà.
Dù biết rõ người Do-thái có thể rất miệt thị bà, ví bà chỉ ngang với
chó, nhưng bà đã cho mình không phải là “chó” mà là “chó con”, nghe nhẹ nhàng
hơn, đáng thương hơn, dễ chấp nhận hơn, chỉ vì bà rất yêu con. Chính tình yêu đã thúc đẩy bà đi tìm đủ mọi
thầy thuốc; rồi, cũng chính niềm tin đã thúc đẩy bà đến gặp Chúa Giêsu, dù có muôn
trắc trở. Bà đã cứ nhắm thẳng vào Chúa Giêsu
mà tiến tới. Có khi nào niềm tin của tôi
đã bị muôn trắc trở chưa? Niềm tin của
tôi những lúc ấy như thế nào? Câu chuyện
của người mẹ Hy-lạp này muốn nói gì về niềm tin của tôi? Tôi muốn ngắm nhìn người mẹ Hy-lạp và bắt
chước bà, nhắm thẳng vào Chúa Giêsu mà tiến tới, dù có gặp vô vàn trắc trở.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment