Mác-cô 9:38-40
38Khi ấy, ông Gio-an nói với Đức Giê-su
rằng: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không
theo chúng ta.” 39 Đức Giê-su bảo: “Đừng ngăn cản người
ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể
nói xấu về Thầy. 40 Quả thật, ai không chống lại chúng ta
là ủng hộ chúng ta.”
(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch
của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Phúc
âm Mác-cô lại dẫn tôi trở về với đề tài ghen tị như Thư Gia-cô-bê đã đề cập
trong bài đọc thứ Hai đầu tuần. Bài đọc hôm
nay, các môn đệ Chúa Giêsu ghen tị với những người cũng tin vào Chúa Giêsu và
đang làm những điều tốt. Các môn đệ của
Chúa Giêsu đã ngăn cản những người ấy.
Nhưng Chúa Giêsu đã không cho các môn đệ làm như vậy. Ghen tị là vấn nạn trong mọi cộng đoàn, đạo
cũng như đời. Giáo xứ nào cũng có những
nọc độc của ma quỷ chen vào tâm hồn và lối nghĩ của mỗi người làm cho đoàn thể
này, nhóm người kia ghen tức nhau. Họ
toàn là những người tốt, thế nhưng khi ngồi lại với nhau, ma quỷ đã làm cho nhóm
này thân cha xứ, nhóm kia thân cha phó. Họ
quên mất họ là ai, không lấy lời Chúa làm phương châm sống để khiêm
nhường, tập quên mình, để cùng nhau phục vụ giáo xứ,
nhưng lại dùng câu nói đầy chia rẽ: “Một
rừng không thể có hai cọp” như một triết lý sống, làm gia tăng chia rẽ, ghen tức lẫn nhau và không chấp nhận sự khác biệt để ngồi lại với nhau. Giáo khu nào cũng
nấu quán phục vụ giáo xứ, nhưng chỉ giáo khu tôi mới biết cách nấu, mới nấu
ngon, mới toàn tâm toàn ý phục vụ giáo xứ.
Ca đoàn nào cũng hát phụng sự Chúa, nhưng không hát khen nhau. Ghen tị phát sinh từ sự thiếu tự tin ở chính
mình; từ đó, dẫn đến thái độ ích kỷ, bảo thủ và độc quyền. Chỉ mình tôi là được hơn người, nếu có ai hơn
tôi, tôi sẽ dễ cảm thấy bị đe dọa và sẽ tìm mọi cách để triệt hạ người ấy. Đúng như Hannah Arendt (1906-1975), một văn sĩ Do-thái gốc Đức, người sống sót từ cuộc diệt chủng của Đức Quốc Xã và là một nhà tư tưởng chính trị lỗi lạc có tầm ảnh hưởng rất lớn trên các lý thuyết gia về chính trị học thế kỷ 20th và 21st, nói: "Cái ác thường đến từ một tư duy tồi" (Evil comes from a failure to think). Trong giây phút này, tôi muốn nhìn vào con
người tôi và để ý, nỗi sợ sệt bị thua thiệt đã ở trong tôi bao lâu rồi, nó làm
tôi khổ tâm ra sao? Tôi xin Chúa giúp
tôi mạnh mẽ, đối diện với nỗi sợ này và biết mở lòng trước những cách thức Chúa
đang làm việc cả trong những người khác nữa với những cách thức riêng, hoàn
cảnh và tài năng của họ. Tôi cầu nguyện
cho tình hiệp nhất trong cộng đoàn, đặc biệt lấy hết can đảm cầu nguyện cho
những người hơn tôi, những người mà tôi khó ưa bao lâu nay.
2. Ghen tị còn làm cho tôi mù quáng trước những gì cao đẹp trong tôi. Hóa ra, “cỏ hàng xóm khi nào cũng xanh hơn cỏ nhà tôi” xuất hiện trong thái độ và suy nghĩ ở mọi nơi và mọi văn hóa. Tôi chỉ thấy người khác hơn tôi mà không nhìn thấy trong tôi cũng có những phẩm chất cao đẹp, tài năng riêng mà người khác không có. Như người nào đó đã nói: “Ghen tị là khi tôi chỉ đếm những ân sủng người khác đã nhận được mà không đếm những ân sủng mà tôi đang nhận” (Jealousy is when you count someone else’s blessings instead of your own). Giây phút này tôi muốn ngồi đếm lại những ân sủng mà Chúa đã ban cho tôi, cho đoàn thể tôi, khiến tôi và đoàn thể của tôi đã có cơ hội phục vụ Chúa và cộng đoàn bằng những cách thức riêng. Nhờ sự nhận thức biết được những vẻ đẹp riêng và tài năng riêng của mỗi người mỗi đoàn thể, đang làm cho mỗi người, mỗi đoàn thể trở thành những bông hoa độc đáo trong cánh đồng hoa đa sắc. Tôi muốn kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Chung Sống,” sáng tác của Ý Vũ, do Kasim Hoàng Vũ, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=CzgxGmnXlJg
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment