Thursday, February 24, 2022

Thứ Sáu Tuần VII Thường Niên – Năm C –25-2-2022

Thu Sau VII TN

Gia-cô-bê 5:12

12Thưa anh em, trước hết, đừng có thề, dù là lấy trời, lấy đất, hay lấy cái gì khác mà thề.  Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”, như thế, anh em sẽ không bị xét xử.

(Trích Thư Gia-cô-bê, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay dù chỉ một câu, nhưng phải mất cả cuộc đời để thực hành.  Tôi nghĩ gì về lời của Thánh Gia-cô-bê: Thưa anh em, trước hết, đừng có thề, dù là lấy trời, lấy đất, hay lấy cái gì khác mà thề.  Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’, như thế, anh em sẽ không bị xét xử.”  Tôi có thấy lời này đang nói cho tôi?  Cho gia đình tôi?  Cho cộng đoàn giáo hội tôi?  Lời khuyên của Thánh Gia-cô-bê cũng giống như lời khuyên của một văn hào nổi tiếng của Mỹ, Mark Twain: “Nếu bạn nói thật, bạn không phải nhớ gì cả -- If you want to tell the truth, you don’t have to remember anything.”  Lời nói của Thánh Gia-cô-bê và của Mark Twain thật đẹp.  Chúng như kim chỉ nam trong địa bàn, giúp tôi biết đi đúng hướng.  Chúng cũng dẫn tôi đến một lời dạy khác của Chúa Giêsu: Nếu các người ở lại trong lời của tôi, thì các người thật là môn đệ tôi; các người sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các người" (Ga 8:31-32). Tôi khao khát sự thật và ao ước sống trong sự thật đến mức nào?  Tôi xin Chúa giúp và tôi muốn tập sống theo những lời khuyên trên, ngay từ hôm nay, “có” nói “có”, “không” nói “không”.

2.       Bài đọc hôm nay chỉ một câu thôi nhưng cũng đủ để tôi suy niệm và cầu nguyện trong giờ này.  Thánh Gia-cô-bê khuyên tôi đừng thề, dù là sự gì, hay là với bất kỳ ai, hoặc với bất cứ thứ gì.  Thề là một cái gì rất gần với đời sống thường ngày của mọi người và là cái gì người ta đã học từ nhỏ.  Có lẽ, vì ai cũng biết mình có những lúc đã không nói thật, dù là chuyện lớn hay chuyện nhỏ, nên để chứng tỏ với người khác điều mình đang nói là thật, người ta phải thề.  Như vậy thề và gian dối luôn đi đôi với nhau.  Có thể tôi nói dối hoài làm người ta không còn tin tôi lắm, cho nên tôi mới phải thề.  Có thể thế giới quanh tôi, ai cũng điêu ngoa, chẳng biết ai là thật ai là giả, nên tôi mới phải thề.  Có thể khi trao đổi thông tin, tôi chỉ muốn thắng, muốn thuyết phục người nghe, nên tôi mới muốn thề…  Vấn đề cần đặt ra đó là: Tại sao người ta nói dối?  Có những loại nói dối nào?  Ai là loại người hay nói dối nhất?  Có nhiều nguyên do khiến người ta nói dối, có những nguyên do rất phức tạp.  Các nhà tâm lý ngày nay chỉ ra, có ít nhất chín nguyên do khiến người ta nói dối: 1) Nguyên do lớn nhất ở người lớn cũng như trẻ em khi nói dối, là để tránh bị trừng phạt; 2) Vì muốn có được phần thưởng nào đó mà không dễ gì có được; 3) Vì muốn bảo vệ ai đó khỏi bị trừng phạt về lỗi lầm của họ; 4) Vì muốn bảo vệ người khác khỏi bị hại; 5) Vì muốn được ngưỡng mộ; 6) Vì muốn thoát khỏi tình huống tế nhị; 7) Vì muốn khỏi bị mất mặt; 8) Vì muốn bảo vệ sự riêng tư; 9) Vì muốn thể hiện quyền lực đối với người khác bằng cách tuyên truyền, bóp méo sự thật.  Đây là động cơ nguy hiểm nhất và có sức phá hoại lớn nhất, như Hitler đã từng làm, và như nhiều người xấu đang lạm dụng các mạng xã hội hiện nay.  Có ít là sáu kiểu nói dối: 1) Nói dối trắng trợn (Bold-faced lie); 2) Hứa lèo (Broken promises); 3) Bịa đặt (Lie of fabrication); 4) Lọc lừa (Lie of deception); 5) Phóng đại (Exaggeration); 6) Nói dối nhẹ nhàng (White lies).  Nhiều cuộc nghiên cứu cũng cho thấy, nam giới nói dối nhiều hơn nữ giới!  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể kiểm điểm lại chính mình: Tôi thường nói dối với ai, và về vấn đề gì?  Nói dối có đã trở thành bản năng trong tôi?  Việc nói dối của tôi đã gây tác hại như thế nào đến những người xung quanh?  Tôi xin Chúa giúp tôi có sức mạnh dám đối diện sự thật, và tập chừa bỏ thói gian dối trong tôi, mỗi ngày một chút.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment