Wednesday, February 16, 2022

Thứ Năm Tuần VI Thường Niên – Năm C –17-2-2022

Thu Nam VI TN

Gia-cô-bê 2:1-9

1Thưa anh em, anh em đã tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư. 2 Quả vậy, giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, 3 và giả như anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: “Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này”, còn với người nghèo, anh em lại nói: “Đứng đó!” hoặc: “Ngồi dưới bệ chân tôi đây!”, 4 thì bấy giờ, anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao?

5Anh em thân mến của tôi, anh em hãy nghe đây: nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao? 6 Thế mà anh em, anh em lại khinh dể người nghèo!  Chẳng phải những người giàu áp bức anh em đó sao?  Chẳng phải họ lôi anh em ra toà đó sao? 7 Chẳng phải họ nói xúc phạm đến Danh Thánh cao đẹp mà anh em được mang đó sao? 8 Đã hẳn, anh em làm điều tốt, nếu anh em chu toàn luật Kinh Thánh đưa lên hàng đầu: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 9 Nhưng nếu anh em đối xử thiên tư, thì anh em phạm một tội và bị Lề Luật kết án là kẻ vi phạm.

(Trích Thư Gia-cô-bê, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Ngày hôm nay, đâu đâu người ta cũng nói đến ngăn ngừa và chống nạn kỳ thị, phân biệt đối xử từ trong giáo hội đến ngoài xã hội, từ chốn học đường đến công sở và mọi nơi chung.  Chính vì thế mà làm cho bài đọc hôm nay mang đầy tính thời sự, tưởng chừng như mới được viết ra cho vấn đề của xã hội của tôi hôm nay.  Nhưng không, kỳ thị như căn bệnh lây lan, thậm chí như đại dịch Covid hiện nay, nó đi vào trong mọi người, ở mọi nơi, thuộc mọi nền văn hóa, ở mọi thời đại.  Chẳng phải hôm nay người ta mới lên tiếng chống lại nạn kỳ thị và phân biệt đối xử, mà từ xa xưa và từ giữa những nhóm người gọi là có niềm tin vào Thiên Chúa, rất thánh thiện ấy, kỳ thị và phân biệt đối xử cũng đã hiện hữu, làm mục ruỗng đời sống cộng đoàn, phá hủy tình huynh đệ và giết chết sự hiệp nhất giữa các cộng đoàn đức tin.  Chính vì thế Thánh Gia-cô-bê đã phải lên tiếng: Mấy người có đức tin vào Đức Giêsu Kitô mà kỳ thị người khác chỉ vì giầu nghèo sao?  Tôi muốn lấy những giây phút này mà nhìn vào thái độ, lối nghĩ và cách hành xử của tôi bao lâu nay: Hai chữ “kỳ thị” hoặc bốn chữ “phân biệt đối xử” có ý nghĩa gì đối với tôi?  Tôi có bao giờ kinh nghiệm bị kỳ thị hoặc bị phân biệt đối xử?  Tôi cảm thấy thế nào khi bị kỳ thị hoặc bị phân biệt đối xử?  Tôi xin Chúa chữa lành cho tôi.  Có khi nào tôi đã kỳ thị hoặc phân biệt đối xử người khác?  Tôi muốn hiểu và cảm được nỗi đau của họ.  Tôi muốn xin lỗi họ.  Tôi cũng muốn xin Chúa chữa lành cho họ. 

2.      Thư Gia-cô-bê chỉ nói đến một khía cạnh của kỳ thị và phân biệt đối xử, đó là: giầu-nghèo.  Ngày hôm nay, người ta nói đến vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử ở mức độ sâu và rộng hơn nhiều, như kỳ thị về: mầu da, sắc tộc, văn hóa, chính trị, tôn giáo, phái tính, tuổi tác, chiều cao, sức nặng, kiến thức, tài chánh, địa vị xã hội…  Không phải ngày hôm nay những vấn đề kỳ thị này mới xảy ra mà nó đã xuất hiện từ xa xưa trong lịch sử loài người.  Phải trải qua một lịch sử rất dài, những nhóm người thiểu số thường bị kỳ thị và bị gạt ra bên lề xã hội, ngày hôm nay họ mới dám lên tiếng, hoặc được luật pháp bảo vệ để họ có thể lên tiếng cho quyền của họ.  Kỳ thị và phân biệt đối xử là vấn đề nghiêm trọng, dù tôi là ai đi nữa, hãy coi chừng, sự kỳ thị có thể đã ở rất sâu trong tôi khiến tôi dễ kỳ thị người khác mà tôi không biết, hoặc tôi cũng bị người khác kỳ thị mà tôi chẳng hay.  Hôm nay đọc lại những lời dạy của Gia-cô-bê về kỳ thị và phân biệt đối xử, tôi cũng muốn góp một tay cho cộng đoàn, làm cho xã hội tôi một ngày một bình đẳng hơn, chấp nhận và tôn trọng lẫn nhau hơn, bởi tất cả đều là con cái của Chúa.  Một người nào đó đã nói thật xót xa về nạn kỳ thị: “Tất cả chúng ta đều là con người cho đến khi chủng tộc chia cắt chúng ta, tôn giáo ngăn cách chúng ta, chính trị chia rẽ chúng ta và sự giàu có đã phân loại chúng ta”  (We are all humans until race disconnected us, religion separated us, politics divided us and wealth classified us).  Tôi muốn cầu nguyện và nói chuyện với Chúa về nạn kỳ thị và phân biệt đối xử trong cộng đoàn và xã hội của tôi hôm nay.  Tôi muốn cộng tác với Chúa kiến tạo một xã hội yêu thương và bình đẳng hơn, và điều này phải bắt đầu trước nhất từ tôi, ngay ngày hôm nay. 

Phạm Đức Hạnh, SJ 

0 comments:

Post a Comment