Mác-cô 6:53-56
53Khi ấy, qua biển rồi, Đức Giê-su và các
môn đệ ghé vào đất liền tại Ghen-nê-xa-rét và lên bờ. 54 Thầy
trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giê-su. 55 Họ
rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến
đó. 56 Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn
xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho
họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều
được khỏi.
(Trích Phúc
âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi
ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay rất ngắn nhưng cũng rất
sinh động. Trong giờ cầu nguyện hôm nay,
tôi có thể dùng phương pháp cầu nguyện hình dung của Thánh Inhaxio Loyola để cảm
thấy tôi đang có mặt trong đám đông những người đang chen lấn muốn gặp Chúa Giêsu,
hầu có thể đụng chạm vào Chúa Giêsu mà được chữa lành như những người năm xưa. Trước hết, tôi dùng trí tưởng tượng để giúp
tôi đi vào bản văn trên, bằng cách đặt cho tôi những câu hỏi cần thiết, như:
Tôi nhìn thấy gì, thấy những ai đang đi theo Chúa Giêsu? Khi thấy Chúa Giêsu và các môn đệ lên thuyền
để đến một vùng mới, họ đã đoán được hướng đi của các ngài và đã đến trước các
ngài. Tôi đọc thấy gì ở lòng khao khát
của họ? Họ từ khắp vùng tuôn đến với
Chúa Giêsu. Họ đông không? Tôi nghe thấy gì? Tiếng nói cười hồ hởi réo gọi nhau? Tiếng chửi bới vì chen lấn nhau để làm sao
được gặp Chúa Giêsu? Có những người hô
to xin đám đông tránh lối cho bệnh nhân, có những người chửi bới, bực bội vì bị
người khác xô đẩy, có những tiếng khóc tủi thân vì chẳng được ai giúp đến gần
Chúa Giêsu, tiếng bước chân trên sỏi đá nghe lọc cọc, sột soạt… Tôi ngửi thấy gì? Mùi của nước biển, cỏ cây, đất bụi, mùi hôi
hám của đám đông, mùi của thức ăn người ta mang theo… Tôi cảm thấy gì? Cái nóng, cái gió của thời tiết… Người ta đã cáng theo đủ các bệnh nhân mắc đủ
mọi thứ bệnh và mong sao được chạm đến gấu áo của Chúa Giêsu để được khỏi
bệnh. Chắc chắn có những người bệnh được
người thân của họ mang họ đến. Họ đến
với niềm tin như thế nào? Họ mắc bệnh
bao lâu rồi? Họ mệt mỏi với bệnh tật của
họ ra sao? Họ khát khao được lành bệnh
như thế nào? Tôi dùng tất cả ngũ quan
của tôi để đi vào đoạn văn trên một cách chủ động, giống như tôi đang có mặt
tại hiện trường và như là câu chuyện này được viết riêng về tôi, không thụ động
theo kiểu đọc đoạn văn trên như là câu chuyện của 2000 năm trước, chẳng liên
quan gì đến tôi.
2.
Đó là bằng trí tưởng tượng, tôi đặt mình
vào trong bối cảnh của 2000 năm trước. Sau
khi cái đầu đã giúp tôi nhìn, nghe, ngửi, nếm, cảm được về bối cảnh và tâm tính
của những người xưa kia đến với Chúa Giêsu, giờ đây, tôi muốn đi vào con tim
của tôi để thấy được tâm tính của tôi khi đến với Chúa Giêsu trong giờ cầu
nguyện này. Trong giờ cầu nguyện này,
tôi đến với Chúa Giêsu bằng thái độ và niềm tin nào? Tin tưởng mạnh mẽ hay thờ ơ, mau mắn hay lạnh
nhạt, nghi ngờ? Tôi đang hiện diện trong cự ly nào trước mặt Chúa? Tôi đến với Chúa Giêsu
vì lý do gì? Vì thói quen, vì có những
nhu cầu riêng, vì chỉ muốn được ở bên Chúa?
Giữa đám đông đang chen lấn, tôi cũng chen lấn để gặp được Chúa Giêsu. Chúa Giêsu có biết tôi, có nhìn thấy tôi cũng
đang ở trong đám đông? Ánh mắt của Chúa Giêsu
đang muốn nói gì với tôi? Tôi nhìn Ngài
với tâm tình gì? Cuối cùng tôi cũng đã ở
bên Chúa Giêsu, tôi muốn nói gì với Ngài, tôi muốn Ngài làm gì cho tôi? Tôi để ý và tận hưởng giây phút rất riêng tư
này giữa tôi với Chúa Giêsu, dù cho đám đông có đang chen lấn hò la, nhưng Ngài
vẫn dành một chút riêng tư cho tôi. Tôi
kết thúc giờ cầu nguyện bằng tâm tình riêng tư của tôi dành cho Chúa Giêsu.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment