Thursday, February 10, 2022

Thứ Sáu Tuần V Thường Niên – Năm C –11-2-2022

Thu Sau V TN 

Mác-cô 7:31-37

31Khi ấy, Đức Giê-su bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. 32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. 33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. 34 Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói: Ép-pha-tha, nghĩa là: hãy mở ra! 35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại.  Anh ta nói được rõ ràng. 36 Đức Giê-su cấm họ không được kể chuyện đó với ai cả.  Nhưng Người càng cấm, họ càng đồn ra. 37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Câu chuyện Chúa Giêsu chữa người bị câm điếc trong bài đọc hôm nay nghe thật lạ tai.  Câu chuyện này chỉ xuất hiện trong Phúc âm Mác-cô.  Ngài ghi nhận việc chữa bệnh của Chúa Giêsu khá chi tiết, qua sáu động từ: 1) Chúa Giêsu kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, 2) đặt ngón tay vào lỗ tai anh ta, 3) nhổ nước miếng, 4) bôi vào lưỡi anh ta, 5) ngước mắt lên trời, 6) thở dài và nói: “Ép-pha-tha,” nghĩa là: hãy mở ra!, tức thì anh ta hết ngọng và hết điếc.  Điểm rất lạ tai đó là Chúa Giêsu nhổ nước miếng.  Ngài nhổ xuống đất, vào tay Ngài, hay vào lưỡi anh ta?  Tại sao Ngài làm như vậy?  Chúa Giêsu là Chúa, Ngài đâu cần nhổ nước miếng mới chữa được bệnh?  Nghe rất mất vệ sinh!  Nói vậy chứ, người Việt Nam có một cách chữa trị còn mất vệ sinh hơn nữa, đó là dùng nước tiểu.  Nhiều bà mẹ Việt Nam vẫn uống nước tiểu trẻ em sau khi sinh con để ngừa hậu sản.  Khoảng hai ba chục năm trước đây, Việt Nam cũng rộ lên phong trào tin rằng nước tiểu trị bá bệnh, gọi là Liệu Liệu Pháp!  Nhiều nhà chú giải cho rằng, nước miếng là một dung dịch cần thiết trong việc chữa bệnh của người Do-thái xưa kia, công dụng sát trùng.  Giống như nhiều người Việt hay lấy nước miếng của mình bôi vào vết muỗi hoặc ong chích.  Chó mèo cũng thường liếm vết thương của nó, dùng nước miếng như thuốc trụ sinh để giúp vết thương khỏi bị nhiễm trùng.  Việc Chúa Giêsu chữa bệnh, dù theo kiểu truyền thống và rất ngộ nghĩnh, nhưng ẩn sau những hành động này, Mác-cô muốn mọi người nhận biết quyền năng chữa lành ở Chúa Giêsu.  Quyền năng cứu chữa ấy đã xảy ra trước mặt mọi người, tại vùng đất của dân ngoại, không phải của Do-thái.  Như vậy, việc chữa lành của Chúa Giêsu không chỉ cho người câm điếc trước mặt Ngài, mà còn nói lên Thiên Chúa đang ở giữa loài người, cảm thông và muốn cứu chữa mọi người.  Ơn cứu độ của Thiên Chúa không còn là đặc ân, đặc quyền của một dân tộc nào nữa, mà là của mọi người.  Tôi có thấy đây là một niềm vui?  Tôi tin ở quyền năng Thiên Chúa đến mức nào?  Tôi tín thác nơi Chúa những nhu cầu của tôi trong lúc này.

2.  Điểm kết của câu chuyện này cũng rất đáng chú ý.  Sau khi người bị ngọng điếc được chữa lành, Chúa Giêsu cấm anh ta và những người có mặt lúc ấy loan tin này; nhưng càng cấm người ta càng loan truyền tin ấy xa hơn.  Đây là một dấu chỉ của việc được chữa lành thật sự.  Niềm vui của người ấy dâng trào, niềm vui của những chứng nhân rạng rỡ hiện rõ trên mặt, khiến họ không thể không chia sẻ với mọi người điều họ vừa được lãnh nhận.  Có khi nào tôi cũng vui và hạnh phúc ngập tràn vì được Chúa ban ơn hay làm một điều gì đó cho tôi?  Tôi cảm thấy như thế nào những lúc ấy?  Tôi đã làm gì những lúc ấy?  Có điều gì mà tôi mới đón nhận từ Chúa?  Tôi có câm và điếc không?  Thế, tại sao tôi vẫn không nhận ra biết bao nhiêu hồng ân Chúa ban trong từng giây phút của cuộc sống, để ca tụng và cảm tạ Ngài?  Tôi muốn nói và làm gì trong lúc này để tỏ lòng biết ơn với Chúa?        

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment