Mác-cô 7:1-13
1Khi ấy, có những người Pha-ri-sêu và một
số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ
là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. 2 Họ thấy vài môn đệ
của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. 3 Thật
vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của
tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; 4 thức
gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục
khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. 5 Vậy,
người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Sao các môn đệ của ông không theo
truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” 6 Người
trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những
kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: ‘Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn
lòng chúng thì lại xa Ta. 7 Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì
giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.’ 8 Các ông gạt
bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.” 9 Người
còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa, để nắm giữ
truyền thống của các ông. 10 Quả thế, ông Mô-sê đã dạy
rằng: ‘Ngươi hãy thờ cha kính mẹ’ và ‘kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử
tử!’ 11 Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Người nào nói với
cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là ‘co-ban’ nghĩa là lễ
phẩm đã dâng cho Chúa’ rồi, 12 và các ông không để cho
người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. 13 Thế là các ông lấy
truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy
nữa!”
(Trích Phúc
âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi
ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay như là chuyện phải đến sau những gì Chúa Giêsu đã
làm. Trong những chương trước, Mác-cô đã
cho tôi thấy Chúa Giêsu càng ngày càng nổi tiếng và dân chúng từ khắp các vùng
tuôn đến, chen chân để gặp Ngài; đến mức, Ngài và các môn đệ không có giờ ăn
nghỉ. Các ngài phải lánh đến một nơi
khác để có thể có được một chỗ nghỉ ngơi; nhưng dân chúng cũng đoán trước được
nơi các ngài đi, họ lại tìm mọi cách đến nơi ấy trước các ngài! Sự nổi tiếng của Chúa Giêsu đã vang đến tận Giê-ru-sa-lem,
khiến các kinh sư và Pha-ri-sêu từ đó đã xuống để dò xét và điều tra Ngài. Bài đọc hôm nay cho tôi thấy, họ đã để ý từng
lời nói, việc làm và chuyển động của Chúa Giêsu và các môn đệ, xem các ngài có
giữ luật Mô-sê không. Quả thật, một vài
môn đệ đã không giữ luật thanh sạch, tức là: phải rửa tay trước khi ăn! Họ đã chất vấn Chúa Giêsu về các môn đệ không
giữ luật thanh sạch. Ba điều làm nên một
người Do-thái tốt và đạo đức, đó là: 1) Giữ luật thanh sạch trong ăn uống và tế
tự; 2) Chịu phép cắt bì; 3) Giữ ngày sa-bát.
Tôi có thể thấy các kinh sư và Pha-ri-sêu mắc chứng bệnh bối rối tâm
linh (scrupulosity). Họ giữ luật một cách cẩn thận, đến mức tỉ mỉ,
để ý từng chi tiết nhỏ bé trong luật để bắt bẻ nhau. Có khi nào tôi cũng mắc chứng bối rối tâm
linh giống các kinh sư và Pha-ri-sêu?
Chẳng hạn: việc chia trí trong cầu nguyện, đi lễ mà tôi vẫn cảm thấy bối
rối mỗi khi đi lãnh bí tích hòa giải; việc không đi lễ trọng nào đó khiến tôi
cảm thấy lo lắng dù lý do không thể đi lễ được là một lý do chính đáng, hoặc
việc giữ chay mà tôi luôn cảm thấy bị dằn vặt vì lỡ ăn no, hoặc ăn thịt, ăn vặt
trong ngày giữ chay...? Tôi nghĩ Chúa
nhỏ mọn như vậy sao? Bộ Ngài chẳng có
việc gì làm hay sao mà chấp chiếm, rình rập tôi những chuyện vặt vãnh như
vậy? Thiên Chúa có phải là một Thiên
Chúa yêu thương tôi vô bờ đến mức, bận rộn yêu thương tôi đến mức không có giờ
để phạt tôi, thậm chí chẳng nhớ gì đến những tội lỗi của tôi? Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong giây
phút này? Tôi có thể xin Chúa Giêsu giúp
tôi can đảm, dám gạt bỏ và đập vỡ những thói kinh sư và Pha-ri-sêu trong
tôi.
2. Trong bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi tôi phải để ý và giữ những gì quan trọng nhất, chân thành nhất, đó là: một tương quan mật thiết với Thiên Chúa và con người bằng trái tim, chứ không phải bằng đầu môi chót lưỡi. Ở nhiều chỗ khác trong Phúc âm, Chúa Giêsu cũng nhắc nhở tôi, lề luật làm ra là để phục vụ con người, chứ không phải con người phục vụ lề luật. Như vậy, Ngài mời gọi tôi phải tìm cho mình con đường nào dẫn tôi đến sự tự do đích thực. Nếu việc giữ luật dẫn tôi đến nô lệ cho luật, mà không dẫn tôi đến tự do thanh thoát thực sự, tôi đã vụng lề luật. Đây chính là đỉnh cao của tâm linh: Thực sự Tự Do Thanh Thoát. Tôi muốn ngồi bên Chúa Giêsu trong lúc này để nhìn thật sâu vào cõi lòng tôi, đâu là những dây rợ đang trói buộc tôi, lấy mất đi sự tự do, trưởng thành của một Kitô hữu, đặc biệt sự tự do làm con Chúa. Tôi muốn cắt bỏ và quyết tâm đứng dậy để, từ nay cho đến cuối đời, mọi bước đi của tôi phải là những bước đi của tự do, giúp tôi tiến về vĩnh cửu đầy thanh thoát, đầy yêu thương, đầy tình Chúa và tình người.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment