Gia-cô-bê 1:19-27
19 Anh em thân mến của tôi, anh em nên
biết rằng : mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, 20 vì
khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên
Chúa. 21 Vì vậy, anh em hãy giũ sạch mọi điều ô uế và mọi
thứ độc ác còn lan tràn; hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh
em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em.
22 Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành,
chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. 23 Thật vậy, ai
lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy khuôn
mặt tự nhiên của mình. 24 Người ấy soi gương rồi đi, và
quên ngay không nhớ mặt mình thế nào. 25 Ai thiết tha và
trung thành tuân giữ luật trọn hảo -luật mang lại tự do-, ai thi hành luật
Chúa, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình
làm.
26 Ai cho mình đạo đức mà không kiềm
chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão. 27 Có
lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng
cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian.
(Trích Thư Gia-cô-bê, bản dịch
của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Chẳng phải là thế giới phải chờ cho đến
những khám phá gần đây của khoa tâm lý mới biết lắng nghe quan trọng như thế
nào trong cuộc sống; mà từ rất xa xưa trong kho tàng khôn ngoan của nhân loại
đã cho thấy, lắng nghe là một nhân đức mà mỗi người cần phải rèn luyện mỗi ngày,
như Thư Gia-cô-bê trong bài đọc hôm nay khuyên: “Mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói...” Những khám phá của khoa tâm lý hiện đại chỉ
là xác định lại và làm rõ hơn vai trò quan trọng của lắng nghe trong đời
sống. Chẳng hạn những nghiên cứu tâm lý
gần đây đã chỉ ra, có đến 80% thời gian ngày sống của chúng ta dùng để liên đới thông tin qua lại với nhau, trong đó: 9% qua viết lách, 30% qua nói năng và 45% qua lắng nghe. Nhưng, trong số 45% thời gian lắng nghe, hầu
hết chúng ta đều không biết lắng nghe.
Lý do chúng ta lắng nghe tồi là bởi vì, chúng ta nghĩ nhanh hơn chúng ta
nói. Mà bởi nghĩ nhanh nên chúng ta
thường chỉ chực nói, chứ không chờ nghe.
Đã vậy, chúng ta thường được huấn luyện về đủ mọi lãnh vực, nhưng hầu
hết chúng ta không được huấn luyện về kỹ năng lắng nghe. Đó là chưa kể, chúng ta thường có khuynh hướng
lắng nghe chọn lọc, tức là, tôi chỉ thích nghe những gì tôi muốn nghe, thuận ý
tôi, hợp với thành kiến cố hữu của tôi, còn những gì không thuận ý hoặc khác
với thành kiến của tôi, tôi không muốn nghe, dù nó có là sự thật tôi cũng không
muốn nghe. Bên cạnh đó, khả năng lắng
nghe của mỗi người cũng bị giảm dần theo thời gian và tuổi tác. Chẳng hạn, với 10 phút thuyết trình, người ta
sẽ chỉ hiểu và nhớ khoảng 50% những gì vừa trình bày; sau 48 tiếng người ta chỉ
còn nhớ được 25% những gì đã được trình bày.
Chưa kể, càng lớn tuổi chúng ta sẽ càng không biết lắng nghe: trẻ em lớp
1 đến lớp 2 có khả năng tập trung nghe và biết lắng nghe đến 90%, lên đến lớp
10 chỉ còn 44% và lớp 12 chỉ còn 28%. Có
lẽ đầu mối của tất cả những vấn đề xung khắc trong cuộc sống đến từ sự thiếu
lắng nghe nhau. Các nhà tâm lý cho rằng,
trong gia đình nếu mọi người biết lắng nghe nhau, 85% những vấn đề hôn nhân gia
đình sẽ tự nó biến mất không cần giải pháp, 10% vấn đề phải nỗ lực chung để tìm
giải pháp, 5% vấn đề sẽ không bao giờ có giải pháp và phải tập chấp nhận sống
với 5% ấy. Như vậy, những lời khuyên của
Gia-cô-bê quả là thực tế và thật gần trong tôi.
Giờ cầu nguyện này tôi có thể lấy tay sờ trên mặt để thấy, Chúa chỉ ban
cho tôi có một cái miệng nhưng hai cái tai.
Tôi muốn kiểm lại bao lâu nay, tôi đã dùng chúng như thế nào, có phải
đúng là một cái miệng và hai tai, hay tôi đã có hai cái miệng mà chỉ có một cái
tai? Có phải cái miệng của tôi đã sinh
ra biết bao nhiêu giống tội trong tôi và quanh tôi? Tôi muốn nói gì với Chúa và có quyết tâm gì
để tôi được bình an hơn, gia đình tôi hòa hợp hơn, và mọi người quanh tôi hạnh
phúc hơn?
2.
Gia-cô-bê không chỉ khuyên tôi nói ít
nghe nhiều để bớt đi những xung đột trong mọi tương quan, ngài còn đi xa hơn
nữa bằng cách khuyên tôi, hãy tập lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành; nhờ
vậy mà tôi tìm thấy hạnh phúc trong mọi việc tôi làm. Gia-cô-bê không đưa ra điều gì mới, ngài chỉ
lập lại những gì Chúa Giêsu đã dạy: Người nào lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực
hành sẽ như người khôn ngoan xây nhà trên đá, nhà ấy sẽ bền vững trước mọi sóng
gió; còn người nào chỉ lắng nghe Lời Chúa mà không đem ra thực hành sẽ, như
người ngu xây nhà trên cát, nhà ấy không thể đứng vững trước mọi cơn sóng gió
(Mt 7:21-27). Tôi đang tìm thấy bình an
và hạnh phúc nào khi tôi thực hành những lời của Chúa? Tôi cảm thấy việc lắng nghe và thực hành lời
Chúa đang giúp tôi, gia đình và cộng đoàn đi qua những sóng gió của cuộc đời ra
sao? Tôi muốn nói chuyện với Chúa và để
ý nghe Ngài sẽ nói gì với tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment