Mác-cô 7:14-23
14Khi ấy, Đức Giê-su gọi đám đông tới mà
bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: 15 Không
có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế
được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô
uế. 16 Ai có tai nghe thì nghe!”
17Khi Đức Giê-su đã rời đám đông mà vào nhà,
các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy. 18 Người nói với các
ông: “Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao? Anh em không hiểu sao? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con
người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, 19 bởi vì
nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài?” Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều
thanh sạch. 20 Người nói: “Cái gì từ trong con người xuất
ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. 21 Vì từ bên
trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết
người, 22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác
táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. 23 Tất cả
những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”
(Trích Phúc
âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay là một bài giảng đầy tính cách mạng về thức ăn
thanh sạch và không thanh sạch mà Chúa Giêsu muốn dạy dân chúng và các môn đệ. Bởi theo luật Mô-sê thời bấy giờ, luật thanh
sạch trong ăn uống và tế tự là rất quan trọng.
Sách Lê-vi ghi rất rõ về những con vật nào được xem là không thanh sạch,
không được ăn. Chẳng hạn, những loài
không thanh sạch sống trên đất như: lạc đà, ngân thử
(rock hyrax), thỏ rừng, heo; những
loài không thanh sạch sống trong nước, như: tất cả những loài không có vây,
không có vảy; các loài chim không thanh, như: đại bàng, diều hâu, ó biển, diều
hâu đen, kền kền, quạ, đà điểu, cú, mòng biển, mọi thứ bồ cắt, cú vọ,
cóc, cú mèo, chim lợn, bồ nông, ó, cò, mọi thứ diệc, chim đầu rìu và dơi;
những loài côn trùng không thanh sạch, như: mọi loài vật nhỏ có cánh đi bằng bốn
chân...(Lv 11:1-23). Những loài này không thanh sạch, mọi người
không chỉ không được ăn, mà còn không được đụng đến chúng. Ai đụng vào sẽ phạm luật nhơ uế. Trong bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu đã cho các
thính giả của Ngài một cái nhìn rất khác về thức ăn; Ngài đưa ra một cách giải
thích rất khác về lề luật ăn uống, “Xin
mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài
vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái
từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” Và Mác-cô kết luận lại những gì Chúa Giêsu
nói: “Như vậy là Người tuyên bố mọi thức
ăn đều thanh sạch.” Đây là một cách
nhìn rất cách mạng. Đây là một lối giải
thích rất táo bạo của Chúa Giêsu. Ngày
hôm nay tôi có thể cười vào mặt những người Do-thái về chuyện ăn uống sao mà
quá lẩm cẩm và khắt khe. Tuy nhiên, là
người Công giáo và là môn đệ của Chúa Giêsu, tôi có khá hơn họ không? Tôi không theo luật Lê-vi trong chuyện ăn
uống, nhưng tôi có cách nghĩ và cách nhìn cách mạng như Chúa Giêsu trong những
vấn đề của thời đại hôm nay? Chẳng hạn
như: nữ giới, những người da mầu, những người không cùng niềm tin, những người
đồng tính, những người khuyết tật, những người già, những người di dân và tị
nạn…? Bởi, đã có một thời gian rất dài
trong lịch sử loài người xem nữ giới không có linh hồn, cho nên họ không có bất
cứ một quyền lợi nào trong xã hội, khiến cho tình trạng hãm hiếp, buôn bán nữ
giới như đồ vật kéo dài cho đến hôm nay.
Ở nhiều nơi, nữ giới vẫn bị giết từ trong trứng nước khi biết thai nhi
đó là gái. Đã một thời, nữ giới không
được đi học. Ngày hôm nay, rất nhiều nữ
giới vẫn bị bán trong các nhà điếm; họ vẫn bị kỳ thị trong công ăn việc làm,
trong xã hội và giáo hội. Họ vẫn bị gọi
là PHỤ nữ, đi đâu cũng bị xem là thứ yếu, là phụ thuộc của đàn ông! Đã có một thời, những người da đen bị coi
không phải là người, không có linh hồn, cho nên họ bị bán như những loài thú,
bị xiềng xích trong những cũi sắt, bị đóng mộc trên lưng như những con bò rao
bán ở chợ, để rồi tình trạng kỳ thị vẫn còn kéo dài cho đến hôm nay. Đã có một thời và vẫn còn ở nhiều nơi, những
người khuyết tật bị cho là những dấu hiệu của quỷ ma hiện hình, của sự chúc dữ,
nên ai có con khuyết tật cũng cảm thấy xấu hổ, phải giấu giếm hoặc để con ngoài
đồng cho thú dữ ăn. Người khuyết tật vốn
đã đau khổ về thân xác lại càng khổ đau hơn về tinh thần, tâm lý, và tâm linh vì
bị kỳ thị, ruồng rẫy. Đã có một thời và
cả đến hôm nay, những người đồng tính vẫn bị xem là BẤT BÌNH THƯỜNG, khiến cho biết
bao nhiêu người đã bị Đức Quốc Xã bỏ vào lò hơi ngạt, để đến hôm nay con đường mong
được tôn trọng như những con người BÌNH THƯỜNG của họ cũng còn rất nhiều gian
nan và rất nhiều thanh thiếu niên ngay hôm nay tự tử vì họ không được xã hội chấp nhận. Hôm nay được đọc bài giảng này của
Chúa Giêsu, tôi muốn xét lại chính tôi: Ai là những người mà tôi cho là không
thanh sạch (KHÔNG BÌNH THƯỜNG)? Tôi đã
làm gì để giúp cho mọi người xung quanh biết nhìn nhau như những người con cưng
của Chúa? Liệu tôi có dám kết luận mạnh
mẽ và thẳng thắn những lời dạy của Chúa Giêsu như Mác-cô: “Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch,” rằng: “Mọi
người sinh ra trên cuộc đời này đều là con cái của Chúa,” vì thế, họ phải được
tôn trọng một cách bình đẳng, đúng nhân phẩm và quyền lợi mà Chúa đã đặt để họ
vào trong cuộc đời này? Tôi nói chuyện
với Chúa về những vấn đề của thời đại hôm nay và xin được Ngài dạy tôi.
2.
Chúa Giêsu cũng mượn ngay những vấn đề
của thức ăn để dẫn mọi người vào tận cõi lòng của họ, Ngài nói: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó
mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người,
phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham
lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông
cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho
con người ra ô uế.” Tôi xấu xa và
nhơ bẩn đến mức nào trước nữ giới, người da mầu, người khác đạo, người khuyết
tật, người già, người đồng tính, người di dân, người tị nạn hôm nay? Nếu tôi không thương và tôn trọng những người
này khi họ đều là con cái Thiên Chúa giống như tôi, tôi vẫn còn óc kỳ thị, phân
biệt đối xử, tôi không chỉ thật sự là loài dơ bẩn, nhưng tệ hơn nữa: tôi không
còn là Kito hữu, không còn là người nữa.
Tôi muốn nói chuyện với Chúa Giêsu trong giây phút này và có những quyết
tâm mới đầy cách mạng về những vấn đề của thời đại, hầu giúp thế giới được chan
hòa yêu thương và xích lại gần với nhau, hơn là chia rẽ và loại trừ lẫn
nhau.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment